Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không nên tăng giá trần, áp giá sàn

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay vừa được “xới” lại khi có thông tin về việc Vietnam Airlines kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.

Không nên tăng giá trần, áp giá sàn

Theo kiến nghị, mức giá trần sẽ tăng 50.000 – 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ. Kiến nghị này khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực vận chuyển hàng không, đặc biệt đối với người dân và ngành du lịch.
Về giá trần vé máy bay, hiện các hãng hiếm khi áp dụng do có sự cạnh tranh giữa các hãng. Do đó, nếu tăng giá trần thì ảnh hưởng đến thị trường không lớn. Ví dụ, giá trần cho nhóm đường bay 500-850km sẽ tăng 2,2 triệu đồng/vé hiện nay lên 2,25 triệu đồng/vé; cự ly 850-1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng/vé lên 2,89 triệu đồng/vé… Tuy nhiên, nếu áp giá sàn thì sự tác động đến người dân là rất lớn. Hiện mức giá sàn đang là 0 đồng. Nếu áp dụng theo đề xuất của hãng hàng không, giá sàn sẽ có mức thấp nhất là 570.000 – 1 triệu đồng/vé.
Mặc dù các hãng hàng không giải thích việc đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn là để phù hợp với chi phí đầu vào, đảm bảo các hãng không phá giá thị trường… nhưng giá vé máy bay vẫn là vấn đề nhạy cảm, cần các cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức cân nhắc. Đó cũng là lý do khiến đề xuất này đã được đưa ra nhiều năm liền nhưng chưa được chấp thuận.
Đặc biệt, ở thời điểm này, khi nền kinh tế và người dân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đưa ra đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay càng phải được xem xét thận trọng hơn. 
Năm 2006, Luật Hàng không dân dụng được thông qua. Quốc hội đã quyết định phải có giá trần để duy trì lợi ích cho tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không trong nước. Sự cạnh tranh của 5 hãng hàng không thời gian qua đã giúp người dân có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ, phù hợp với thu nhập của mình.
Do đó, việc tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của đông đảo người dân, khi mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp. Hơn nữa, số lượng các hãng hàng không còn khá ít so với nhu cầu đi lại đang tăng nhanh, vì vậy, nếu để các hãng tăng giá trần và áp giá sàn thì rất có thể xảy ra tình huống các hãng sẽ bắt tay làm giá trong giai đoạn cao điểm để “bắt chẹt” người tiêu dùng.
Hiện Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam chưa có thông tin thêm về đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay. Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính… cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.
MINH DUY (theo SGGP)

Bình luận (0)