Những người thích uống nước trà thật nóng có nguy cơ ung thư họng cao hơn những người uống trà ấm/mát, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí British Medical Journal.
Ung thư thực quản không chỉ liên quan chặt chẽ với thói quen hút thuốc, lạm dụng đồ uống có cồn mà một số đồ uống nóng cũng được xem là một yếu tố nguy cơ, có thể là do nó gây hại cho vùng niêm mạc họng.
Các nhà nghiên cứu Iran đã tới vùng Golestan (bắc Iran), một trong những nơi có tỉ lệ ung thư thực quản cao nhất thế giới. Những người dân bản địa ở đây có thói quen uống từng ngụm lớn trà đen nóng (nhiệt độ lên tới 70 độ C hoặc hơn), với lượng uống lên tới hơn 1 lít/người/ngày. Họ ít hút thuốc và không dùng rượu bia.
Nhóm nghiên cứu của Reza Malekzadeh, TT Nghiên cứu các bệnh tật liên quan tới tiêu hóa, ĐH Y khoa Tehran, đã theo dõi 300 người có khối u ở họng và đối chiếu với nhóm 571 người khỏe mạnh khác sống trong vùng. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người uống trà nóng (khoảng 65 – 69 độ C) có nguy cơ phát triển ung thư vòm họng cao gấp 2 lần so với những người uống trà ấm/lạnh (nhiệt độ trà dưới 65 độ C).
Uống trà rất nóng (ít nhất là 70 độ C) sẽ tăng nguy cơ ung thư vòm họng cao gấp 8 lần so với nước trà ấm/lạnh.
Những nghiên cứu trước đó cho thấy nhiệt độ trung bình khi uống nước nên là 56 – 60 độ C và cũng khuyến nghị những tín đồ của trà nên đợi ít nhất 4 phút kể từ lúc pha trà rồi hãy uống.
Nghiên cứu này không cho thấy sự liên quan giữa lượng trà uống với nguy cơ ung thư. Nó cũng không bao gồm nguy cơ ung thư từ việc uống các loại cà phê nóng hay các loại đồ uống nóng khác.
Nhân Hà (Dan tri)
Theo Health24
Bình luận (0)