Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không nên xem thường bệnh táo bón

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người mặc nhiên sống cùng vấn đề này của sức khỏe, không biết rằng nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe rập rình từ chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ này.
Không nên xem thường bệnh táo bón
Mỗi bữa ăn dù là tiệc tùng cũng rất cần nhiều rau xanh – Ảnh: Thanh Đạm

Táo bón là một trong những triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, trẻ lớn, người trưởng thành và người cao tuổi. Có thể xem như táo bón khi phân cứng (có thể nhỏ như viên bi hoặc quá lớn), phải ngồi lâu mới bài xuất khỏi hậu môn; hoặc sau 2-3 ngày mới đi ngoài một lần. Rất nhiều trường hợp táo bón 5-7 ngày, thậm chí hơn 10 ngày.

Ảnh hưởng sức khỏe

Những trường hợp táo bón”nặng” dễ gây các biến chứng như: nứt hậu môn, tạo nếp gấp hậu môn (phổ biến ở trẻ nhỏ), hoặc trĩ (búi mạch máu ở trong lòng hậu môn hoặc ngoài rìa hậu môn, thường gặp ở người lớn). Bệnh nhân táo bón nhiều ngày thường đi ngoài có phân kèm theo máu tươi.

Một số trẻ em bị sa trực tràng (khối thịt màu đỏ rướm máu lồi ra khỏi hậu môn), tái phát nhiều lần rất nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời bằng cách nhét khối sa đó vào lại trong hậu môn (vì dễ gây hoại tử, nhiễm trùng…).

Táo bón ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Những trẻ táo bón thường hay quấy khóc, ngủ không yên, bú kém, chậm tăng cân và chiều cao. Người trưởng thành và cao tuổi táo bón dễ nóng tính, nhức đầu, ngủ không ngon, ăn không khoái khẩu vì bụng bị căng do đầy hơi…do không thải được những chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa và cần phải bài tiết ra ngoài.

Một số phiền toái khác do táo bón gây ra như rất dễ thoát hơi nặng mùi mà không thể kiềm chế bất cứ lúc nào, nơi nào, làm người táo bón thiếu tự tin khi giao tiếp, sinh hoạt, làm việc với tập thể.

Tuy nhiên, vì phần lớn các trường hợp táo bón không gây nguy hại trầm trọng trước mắt nếu không do nguyên nhân cần can thiệp phẫu thuật như ung thư, đa số người bệnh và người thân ít quan tâm đến tình trạng táo bón để điều trị kịp thời. Do vậy, tình trạng táo bón ngày càng khó trị hơn lúc ban đầu.

Một số nguyên nhân phổ biến:   

–          Trẻ sơ sinh bú mẹ: do mẹ ăn kiêng, chế độ ăn quá mặn (nhiều mắm, muối), uống nước không đủ (ít nhất 2 lít/ngày).

–          Trẻ sơ sinh và nhũ nhi bú sữa công thức: do pha chế sữa quá đậm đặc hoặc pha trộn thêm bột… không đúng cách.

–          Trẻ lớn và người trưởng thành: do ăn ít rau quả, ít chất xơ, ít trái cây, hoặc uống nước không đủ. Trẻ lớn uống ít nhất 1,5 đến 2 lít nước lọc/ngày; người lớn: 2-2,5 lít/ngày, khi thời tiết nóng phải cung cấp nhiều nước hơn nữa.

–          Người cao tuổi: do ăn ít thực phẩm, không đủ lượng chất xơ, lượng nước uống vào thiếu, ít vận động, uống nhiều loại thuốc chữa bệnh. Một số thuốc gây táo bón như: thuốc trị bệnh trầm cảm, thuốc giảm ho và sổ mũi, thuốc trị cao huyết áp nhóm ức chế kênh canxi như amlodipine và thuốc bổ chứa canxi… 

Ngoài ra, một số nguyên nhân bệnh lý có triệu chứng táo bón kèm theo như: viêm nhiễm hậu môn, hội chứng ruột kích thích hoặc ít gặp hơn trong một số trường hợp ung thư đại-trực tràng gây tắc nghẽn ruột.

Do vậy, một khi táo bón xảy ra, bất kể lứa tuổi nào, nhất là trước đây, bạn hoặc người thân đi ngoài bình thường (đi hằng ngày hoặc không quá 2-3 ngày, đúng giờ, đúng lúc, thời gian bài xuất nhanh trong 30 giây hoặc chỉ trong một vài phút, phân mềm), trước hết nên xem lại chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện thể lực có hợp lý chưa. Nếu bất thường, cần điều chỉnh càng sớm càng tốt.

Sau khi điều chỉnh nhưng không cải thiện, nên đi khám.

Giải pháp điều trị: tùy theo lứa tuổi

–          Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: nếu bú mẹ: người mẹ cần ăn uống đủ dưỡng chất: thịt, cá, trứng, sữa, rau đậu, quả, trái cây… và phải uống đủ lượng nước, không nên ăn mặn. Nếu bú bình: nên pha đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên dùng các thuốc xổ hoặc thuốc làm mềm phân dạng bơm hậu môn vì tạo thành phản xạ, thói quen cho bé và khi ngưng bơm, bé sẽ rất khó đi ngoài.

–          Trẻ lớn và người trưởng thành, cao tuổi: nên tập thói quen đi ngoài đúng giờ (ấn định thời điểm thích hợp, nên chọn buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi chiều sau khi đi học, đi làm trở về nhà). Nên ăn uống có khoa học, nhiều rau quả, nhiều chất xơ, uống sữa hàng ngày, uống nhiều nước lọc, hạn chế nước uống có gaz, rượu bia… Tăng cường vận động thể lực để giúp cơ bụng co bóp linh hoạt và mạnh để tống phân ra ngoài dễ dàng và nhanh chóng.

–          Khi cần thiết tham vấn các bác sĩ để được ghi toa các thuốc phù hợp. Không nên lạm dụng các thuốc trị táo bón khi không có chỉ định của thầy thuốc, vì khi sử dụng không hợp lý, dễ gây táo bón trở lại sau khi ngưng thuốc. 

Trong vài trường hợp phải thực hiện những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng và hình ảnh như: xét nghiệm phân, siêu âm, X-quang, CT, MRI… để tìm nguyên nhân gây táo bón. Bệnh càng được chẩn đoán và điều trị sớm, hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh càng tốt. Không nên xem thường táo bón.                                                                                          

 

THS.BS. MAI VĂN BÔN (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)