Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không nên xem thường chứng khó đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu phát hiện và can thiệp sớm chứng khó đọc sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập cùng các bạn bình thường khác (ảnh mang tính minh họa)
Mặc dù trí tuệ ở mức trung bình, thậm chí ở mức khá nhưng một số trẻ lớp 1 lại gặp khó khăn trong việc đọc, dẫn đến kết quả học tập không đạt yêu cầu. Nếu không được phát hiện kịp thời và trị liệu đúng cách thì nguy cơ dẫn đến những khó khăn thứ phát; những hệ lụy như tổn thương về tâm lí, rối loạn hành vi, bỏ học giữa chừng, thậm chí vi phạm pháp luật là có thể xảy ra.
Đó là những vấn đề về chứng khó đọc (Dyslexia) mà PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha (Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp giải quyết.
Khó đọc không phải là bệnh
Theo PGS.TS Ly Kha, đọc là hoạt động phức hợp. Khi đọc, não phải thực hiện đồng thời các hoạt động như quan sát dấu hiệu viết, nối âm vị, ghép âm thành tiếng, từ; điều chỉnh mắt cử động theo chữ, dòng chữ trên trang giấy; xây dựng hình ảnh và ý nghĩa; so sánh ý nghĩa mới với những gì đã biết; lưu trữ ý nghĩa trong trí nhớ… Với người mắc chứng khó đọc, não bộ sẽ gặp vấn đề về xử lí chữ viết và âm thanh. Vì thế tính phức hợp của các hoạt động trên sẽ gây ra trở ngại lớn. PGS.TS Ly Kha chia sẻ: “Chứng khó đọc là một dạng khiếm khuyết học tập không phân biệt giới tính, phổ biến đối với trẻ em, không có tính giai đoạn mà theo suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng này có những biểu hiện về hành vi ngôn ngữ, hành vi tâm lí không như trẻ bình thường. Biểu hiện ở khả năng đọc, viết như: Đọc sót, đảo đổi trật tự các chữ, không nhất quán giữa đánh vần và đọc trơn, không biết ngắt – nghỉ ở dấu câu, không nắm được nghĩa của câu – đoạn vừa đọc, khó khăn khi viết chính tả, bỏ sót chữ cái, bỏ sót từ, sai chữ… Khi nhận diện phương hướng, học sinh gặp khó khăn trong việc định vị mốc thời gian, tiếp thu các khái niệm thời gian, không gian, đa số bị nhầm lẫn trái – phải, trên – dưới và rất chậm khi phải ghi nhớ sự kiện. Ngoài ra, sự tương tác với bạn bè bình thường cùng trang lứa cũng hạn chế, kỹ năng vận động hợp tác nhóm cũng chậm hơn vì thế trẻ thường tỏ ra chán nản, hay nổi cáu, buồn bã”.
Theo thống kê của Khoa Tâm lí (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), có 70-80% trẻ mắc chứng khó đọc trong tổng số trẻ khuyết tật học tập, đến khám và trị liệu tại khoa hàng năm.
Điều trị bằng tâm lí, ngôn ngữ và vận động
Hiện nay phần lớn trẻ bước vào lớp 1 đã biết đọc bảng chữ cái, chữ số, thậm chí đọc được những câu đơn giản. Theo thống kê (chưa đầy đủ) của PGS.TS Ly Kha, có trên 90% trẻ ở thành phố thuộc bảng chữ cái. Trong đó, tốc độ đọc chữ cái trong tuần thứ 2 của học kỳ 1 (lớp 1) khoảng 25-30 chữ/60 giây. Vì thế việc tầm soát để phát hiện trẻ mắc chứng khó đọc dựa vào kết quả đọc – viết ngay từ học kỳ 1 là công việc có tính khả thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha, tâm lý một học sinh mắc chứng khó đọc thường dễ chán nản, nổi cáu, buồn bã, vì thế giáo viên cần hết sức khéo léo trong việc giảng dạy.
Theo đó, hình thức can thiệp là chương trình giáo dục cá nhân với tác động tích hợp giữa tâm lí, ngôn ngữ, vận động và y khoa. Ở góc độ giáo viên thì có thể can thiệp bằng kết hợp tâm lí, ngôn ngữ, vận động. Thời gian tiến hành từ cuối học kỳ 1 đến học kỳ 2. Thời lượng từ 1-2 buổi/tuần, mỗi buổi từ 45-60 phút. Việc thực hiện tuân thủ nguyên tắc vận động thông qua tranh ảnh, mẫu vật, trò chơi là chủ đạo. Cụ thể, giáo viên nên kết hợp bài tập vận động với bài tập nhận thức các âm vị; dạy học theo từng bước nhỏ, dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp; tìm những cách thức mới để hướng dẫn trẻ ghi nhớ âm, từ; thường xuyên củng cố, kịp thời sửa chữa sai sót; đảm bảo tính tuần tự, tính hệ thống, trò chơi hóa các bài tập… Đặc biệt, cần có sự kết hợp với phụ huynh, bảo mẫu để nhận sự hỗ trợ, nắm bắt kết quả.
Ngoài ra, ở nội dung các bài tập ngôn ngữ như nhận thức âm vị, âm thanh; nhận thức chính tả và viết – đọc; tập đọc – hiểu được xây dựng và sử dụng thay đổi linh hoạt, có khả năng lôi cuốn học sinh, tránh gây nhàm chán, căng thẳng. Ví dụ, ở nhóm nhận thức âm vị, cho các âm b, d, e thì giáo viên nên kèm theo hình ảnh con bê, con dê; các âm b, a thì kèm theo dấu huyền, dấu sắc lẫn hình ảnh cái bàn, mua bán… Cách thức này rèn cho trẻ khả năng tri giác về trình tự các âm vị trong một âm tiết, một chữ viết; rèn khả năng tri nhận không gian, mở rộng vốn từ. Hoặc ở nhóm bài tập nhận thức âm thanh, giáo viên có thể chọn đồng dao, những câu nói ngộ nghĩnh, dí dỏm để thể hiện. Ví dụ, khi luyện phân biệt b, d, p, đ… có thể sử dụng bài hát Dung dăng dung dẻ, Bé bé bằng bông…
Theo PGS.TS Ly Kha, tâm lý một học sinh mắc chứng khó đọc thường dễ chán nản, nổi cáu, buồn bã, vì thế giáo viên cần hết sức khéo léo trong việc giảng dạy. Cụ thể là luôn tạo tâm thế cho trẻ tin tưởng rằng mình có khả năng học tập như những bạn bè khác, thường xuyên khuyến khích, khen ngợi, động viên, giúp các em nhận ra rằng việc học đọc và viết chỉ là một cách học tập phản xạ. Tuyệt đối tránh chỉ trích trẻ, tránh những lời nói, hành vi khiến các em mất tự tin, tổn thương; giúp trẻ nhận thấy rằng mình được đối xử công bằng như những người khác.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Cần can thiệp sớm
Chứng khó đọc không phải là căn bệnh thuộc về sinh lí nên điều trị chứng tật này không phải bằng thuốc mà bằng các biện pháp tâm lí và giáo dục. Nếu trẻ được phát hiện, can thiệp sớm thì sẽ có cơ hội hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa rất cao, tránh được những khó khăn, thậm chí những rối loạn thứ phát về tâm lý, hành vi, bỏ học giữa chừng, vi phạm pháp luật… Tuy nhiên, đây là hoạt động mới mẻ, phức tạp, và khó khăn đối với giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha
 
 

Bình luận (0)