Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Không nuông chiều bản thân khi chọn nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều câu hỏi “chất” về ngành nghề, cơ hội nghề nghiệp cũng như áp lực công việc đã được học sinh đặt ra cho các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) vừa qua.

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Đừng để ngoại ngữ là rào cản

Đó là lời khuyên được các chuyên gia tư vấn chia sẻ với học sinh trong trường trước thông tin nhiều trường ĐH hiện nay đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để thành công. Muốn dấn thân ra biển lớn, muốn làm việc và thích nghi trong môi trường xuyên quốc gia thì trước hết phải hiểu được họ nói gì. Đừng để ngoại ngữ cản bước những đam mê của tuổi trẻ”, ThS. Trần Duy Can (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhắn nhủ.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền (Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) cho biết FPT là một trong những trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do đó khi vào trường, người học bắt buộc phải trải qua một bài test (kiểm tra) năng lực ngoại ngữ. Căn cứ vào kết quả bài test này, các em sẽ được sắp xếp vào những lớp học ngoại ngữ của trường. Khi nào đủ điều kiện tiếng Anh, các em mới có thể bắt đầu vào học chuyên ngành. Thông thường thì một năm đầu tiên là thời gian các em học tiếng Anh.

Theo bà Hiền, hiện nay nhiều trường đào tạo theo mô hình thực nghiệm, có những học kỳ cho sinh viên học ở nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên thông thạo nhiều ngoại ngữ. “Đối với Trường ĐH FPT, khi ra trường, sinh viên sẽ có trong tay 2 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung hoặc Nhật”, bà Hiền cho biết.

Trước thắc mắc của học sinh về ngành ngôn ngữ Anh ngoài sư phạm thì có thể làm công tác giảng dạy được không?, ThS. Huỳnh Công Ba (Trưởng phòng Công tác Chính trị sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ rằng, do phương pháp đào tạo song ngành nên ngay từ học kỳ I trở đi, người học đã có thể lựa chọn thêm cho mình một ngành học nữa ngoài ngành học đã đăng ký ban đầu khi vào trường. “Tuy nhiên, chỉ những sinh viên nào có đủ điều kiện kết quả học kỳ I đạt từ 2,0 trở lên (cao nhất là 4,0) thì mới được đăng ký học song ngành. Do vậy, đối với ngành ngoài sư phạm, các em có thể đăng ký thêm ngành sư phạm. Ra trường, các em vừa có bằng ngôn ngữ, vừa có bằng sư phạm và hoàn toàn có thể đứng lớp”, ông Ba cho biết.

Ông Ba bổ sung thêm rằng, ngoài việc đứng lớp, các em có thể lựa chọn công việc phiên dịch hoặc thương mại, hay làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia…

Sức hút ngành “làm dâu trăm họ”

Tại buổi tư vấn, những ngành nghề về quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, tâm lý học, quản trị nhân lực… vẫn tỏ rõ “sức hút” của mình khi liên tục nhận được những câu hỏi từ phía học sinh.

Theo nhiều chuyên gia tư vấn, đây là nhóm ngành mang tính chất “làm dâu trăm họ”, đòi hỏi người học phải có những tố chất đặc biệt. “Đây là những lĩnh vực ngành nghề chuyên sâu. Cần phải là những người năng động, cá tính, có quan điểm riêng trước mọi vấn đề và luôn nỗ lực hết mình. Trong đó, ngành quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, người học luôn phải tạo ra cho mình những cơ hội để thích ứng và hội nhập”, ThS. Nguyễn Nhật Thiều Anh (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) gửi gắm. Đồng tình với quan điểm trên, ThS. Lê Thiên Huy (Phó Viện trưởng Viện Việt – Nhật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhắn gửi thêm rằng, nếu muốn theo đuổi những ngành nghề mang tính “công chúng”, người học phải là những người có khả năng chịu đựng, kiên trì. Đặc biệt, đối với ngành tâm lý học, các em không chỉ phải là những người hoạt ngôn mà còn phải luôn biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những cảm xúc của người khác. Bất kể là giờ giấc, dù sáng sớm hay nửa đêm, chỉ cần ai đó có nhu cầu cần tư vấn, các em cũng phải luôn sẵn sàng.

Cũng theo ông Huy, cơ hội nghề nghiệp với ngành tâm lý học hiện nay là rất lớn. Các em có thể trở thành những chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý khi đi học thêm về y khoa. “Trong xã hội nhiều áp lực và quá nhiều mối bận tâm, vấn đề tâm lý thật sự rất bức bách”, ông Huy nói.

Đối với ngành quản trị nhân sự, ThS. Đặng Văn Lẹ (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), lại đưa ra một con số ấn tượng về cơ hội việc làm, đó là hơn 90% sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM ra trường có việc làm đúng chuyên ngành ngay trong năm đầu tiên. Hơn thế nữa, ngay từ năm thứ 3, đa phần sinh viên đã có việc làm.

Nhiều mối bận tâm với CĐ nghề

Không chỉ quan tâm đến các ngành nghề thuộc bậc ĐH, nhiều nhóm ngành thuộc hệ CĐ nghề cũng thu hút học sinh trong trường do “phù hợp với khả năng học tập của nhiều học sinh khi chỉ cần tốt nghiệp THPT là đã đủ điều kiện để học tập”.

Theo ThS. Nguyễn Trọng Hoàng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn), khi lựa chọn học CĐ nghề, các em không chỉ rút ngắn thời gian học tập mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. Trong đó, nhóm ngành du lịch như hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn, quản trị lữ hành, hay nhóm ngành chế biến món ăn… được đào tạo trong các trường CĐ nghề là những nhóm ngành mà xã hội đang rất khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là khi luân chuyển việc làm trong khối ASEAN. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng nhận định rằng, dù điều kiện đầu vào các trường CĐ nghề không cao nhưng để theo học, các em cần phải xác định bản thân có phù hợp hay không. “Dù là học trong bất cứ môi trường nào, CĐ, ĐH hay quốc tế, các em cũng cần phải có những tố chất về năng lực theo nghề. Không nuông chiều bản thân, không cẩu thả với ngành học, luôn luôn phải cố gắng, trau dồi vốn ngoại ngữ để bắt kịp, hội nhập và nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho bản thân”, ông Hoàng khuyên.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)