Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không pha vitamin cho người bị sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

TS.BS Trần Tịnh Hiền, trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, sốt xuất huyết Dengue đang trở thành một vấn nạn cho sức khoẻ cộng đồng trong vùng nhiệt đới.
Bệnh đang gia tăng

Khu vực các tỉnh phía Nam ngoài sự bùng phát về số lượng bệnh nhân, các dấu hiệu bệnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là tình hình bệnh trên người lớn (trên 15 tuổi) gia tăng số người mắc và xuất hiện nhiều triệu chứng nặng, làm tăng tỷ lệ tử vong.
Trong tháng 6 vừa qua, mỗi ngày trung bình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 10 ca  bệnh nhập viện điều trị, tổng cộng trong 6 tháng bệnh viện đã điều trị nội trú cho 1.070 ca, trong đó, bệnh nhân nặng độ II, độ III có 84 trường hợp, một số ca nặng qua độ IV.
Bệnh phát thành dịch lớn mà cao điểm vào mùa mưa từ tháng 6 – 10, tỷ lệ sốt xuất huyết tăng dần ở người lớn. Hai biểu hiện nổi bật của sốt xuất huyết – Dengue là sốt và xuất huyết. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có biểu hiện trụy tim mạch. Bệnh diễn tiến cấp tính, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị thích hợp kịp thời.
Bệnh nhân thường sốt cao 39,5 – 40 độC, khởi phát đột ngột, liên tục kèm cảm giác lạnh, không có cơn run kiểu sốt rét. Thuốc giảm sốt có ảnh hưởng ít nhưng không cắt sốt, trung bình sốt kéo dài 5 – 6 ngày. Kèm sốt là cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, da niêm xung huyết rõ, đặc biệt niêm mạc mắt đỏ sậm, môi đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má, tai. Các mảng xuất huyết xảy ra tự nhiên hoặc sau đụng chạm nhẹ, sau tiêm truyền.
Cách phân biệt
ThS.BS Trần Thị Hồng Vân, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TW cho biết, sốt xuất huyết và sốt phát ban giống nhau về triệu chứng sốt, nhưng sốt xuất huyết, nếu nhẹ thì ít phát ban, nhưng khi nặng thì gây sốc hoặc xuất huyết qua da.
Chúng ta có thể tự phân biệt 2 bệnh này bằng cách dùng tay căng da chỗ có chấm đỏ, nếu thấy chấm đỏ mất là sốt phát ban, còn khi căng da mà vẫn thấy chấm li ti thì đó là sốt xuất huyết. Đối với trẻ nhỏ, khi sốt xuất huyết, trẻ sốt cao liên tục từ 2 – 7 ngày và hay đau bụng vùng gan, chân tay lạnh.
Giải pháp tốt nhất là nếu người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước thường, nước rau, oresol…. Trường hợp không ăn uống được, nôn và muốn truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt  đối không truyền dung dịch đạm, hay có pha vitamin vì rất hay bị sốc.
Còn việc dùng thuốc, thì khi sốt cao hãy dùng, nhưng theo liều lượng của bác sĩ, và phải cách 4 – 5 giờ mới được dùng lại thuốc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cuối tháng 6, cả ba vùng Trung, Tây và Nam Bộ đã có hơn 4.000 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Hương Hằng/ Bee.net

Bình luận (0)