Gần đây, dư luận băn khoăn với việc một số nơi đưa vào đề thi những chi tiết trong bộ phim Hậu duệ của mặt trời của Hàn Quốc khi phim chưa được chiếu rộng rãi.
Một tiết học môn văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
1. Vừa qua, đề thi học kỳ 2 môn ngữ văn lớp 12 của một trường THPT ở Quảng Trị có phần đọc hiểu rất dài nêu một số nhận xét về bộ phim này với 5 câu hỏi. Trong đó, có 2 câu thuần túy về mặt đọc hiểu: từ một văn bản, học sinh phải vận dụng kiến thức về văn bản và những vấn đề liên quan để có câu trả lời mà không cần quan tâm đến bộ phim nói về cái gì, đó là “xác định câu chủ đề của văn bản”, “phong cách ngôn ngữ của văn bản” và “đặc điểm của phong cách ngôn ngữ này”. Ba câu còn lại ít nhiều buộc học sinh phải có hiểu biết nhất định về bộ phim, cũng như quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bộ phim mới có thể trả lời một cách đầy đủ. Đặc biệt, câu cuối cùng, “Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: “Nếu tôi là đạo diễn”, học sinh không chỉ phải hiểu nhiều về bộ phim Hậu duệ của mặt trời mà còn phải có kiến thức về phim ảnh. Các đòi hỏi này được nhiều người cho là không phù hợp với học sinh lớp 12, bởi các em có rất nhiều sự quan tâm nên không nhất thiết ai cũng biết đến hoặc có xem một vài đoạn của bộ phim. Do đó, việc ra đề theo cách này có thể “đánh đố” học sinh… Cách đây vài năm, một số ngôi sao và “hiện tượng” trong làng giải trí Việt được chọn làm đối tượng để dẫn dắt vào đề thi. Cụ thể, năm 2013, một đề thi học sinh giỏi thành phố lớp 12 của Hải Phòng như sau: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”. Đề thi gây nhiều ý kiến trái chiều, phần đông cho rằng đề chưa thực sự hay, bởi vấn đề nêu ra cũng không thực sự thuyết phục, chưa phản ánh được cuộc sống của số đông các bạn trẻ, trong khi lại nhắc đến hai cá nhân có nhiều ý kiến khác nhau là không nên.
Đề thi gây hứng khởi cho học sinh Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhiều môn thi từ ngữ văn, địa lý, lịch sử… đến tiếng Anh đều có những câu hỏi gắn với biển Đông, với chủ quyền và xây dựng sức mạnh quốc gia. Những đề thi này gắn rất chặt với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được cả người thi và dư luận đánh giá cao. Hay năm 2015, một câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh THPT quốc gia có nhắc đến vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Còn đội tuyển U23 quốc gia lại được đưa vào đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM với hình ảnh hát Quốc ca rất xúc động. Những đề thi này đều gây sự hứng khởi cho học sinh. |
2. Đưa những sự kiện thời sự, những câu chuyện được nhiều người quan tâm vào các đề thi chính thức là điều được dư luận đánh giá cao bởi làm cho đề thi bám sát hơi thở của cuộc sống, thi cũng là để học, để chiêm nghiệm lại những điều đang diễn ra, vừa diễn ra sẽ giúp học sinh thấy hứng khởi hơn so với những đề thi quá sáo mòn hoặc đã được “đóng khung”. Tuy nhiên, trong việc này, cần lưu ý yếu tố giáo dục của một đề thi. Chẳng hạn, với đề thi về bộ phim Hậu duệ của mặt trời, nhiều người cảm thấy không yên tâm bởi liệu người ra đề không tìm được văn bản nói về một vấn đề liên quan đến văn hóa hay xã hội ở trong nước? Hay mượn phim nói về lòng yêu nước, sao không lấy hoạt động chiến đấu của bộ đội mà lại lấy hình ảnh quân đội nước ngoài? Bên cạnh đó, đề thi cần tính toán đến sự tích hợp các môn học khác, đồng thời gắn với các sự kiện có tính thời sự nào đó. Thí dụ, hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung có thể đưa vào đề thi môn sinh học, môn địa lý, môn giáo dục công dân… nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, về phản ứng với một hiện tượng xã hội sao cho tích cực, về vai trò của môi trường trong phát triển đất nước. Cũng như vậy, các sự kiện lịch sử cũng có thể đưa vào đề thi môn văn, địa lý, toán… Chẳng hạn, có thể có bài toán về vận tốc chèo thuyền trong mối tương quan với vận tốc nước (ngược hoặc xuôi dòng) khi quân ta tấn công quân địch ở trận Bạch Đằng, trận Rạch Gầm – Xoài Mút…
3. Việc ra đề mở, đề có sự kiện thời sự phải hợp lý, cả về sự kiện, tính chất, lứa tuổi, nội dung môn học và nội dung chi tiết của đề; đồng thời tránh yếu tố “trào lưu” bỏ qua các yêu cầu ở trên. Do đó, người ra đề phải ít nhiều đứng ở vai trò của người đi thi để tự cảm nhận về sự quan tâm, sự phù hợp đến vấn đề mà mình nêu ra, tránh sự áp đặt hiểu biết, áp đặt cảm nhận, áp đặt thẩm mỹ ra ngoài yêu cầu của môn học!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)