Sự kiện giáo dụcTin tức

Không phải cứ có dịch là đóng cửa trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cô và cháu Trường MN Tuổi Ngọc, Q.8 vui chơi trước khi dịch bệnh TCM xuất hiện
Từ 13-7, theo chỉ đạo của Tổ Mầm non (MN), Phòng GD-ĐT Q.8, TP.HCM tất cả các cơ sở giáo dục MN công lập trên địa bàn quận đều đồng loạt kết thúc hoạt động hè. Như vậy là kết thúc sớm một tháng so với thông báo từ đầu hè (ngày 12-8). Lý do Tổ MN đưa ra là bệnh tay chân miệng (TCM) đã và đang xuất hiện ở một số trường MN…
Việc các trường MN nghỉ hè sớm đã gây không ít khó khăn trong việc gửi con của phụ huynh. Và dư luận cũng lo ngại, trước tình hình dịch bệnh TCM như hiện nay, ngoài Q.8, còn quận, huyện nào trên địa bàn TP phải đóng cửa trường MN…
Đảm bảo an toàn cho trẻ
Từ đầu năm đến nay, Q.8 có 440 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 3 ca tử vong. Trong tháng 6 và đầu tháng 7, trung bình mỗi tuần có từ 45-55 ca. Tại khu vực trường học, tính đến ngày 13-7 đã có 10 trường MN gồm Trường Sơn Ca, Bông Hồng, Bông Sen, Kim Đồng, Tuổi Ngọc, Thỏ Ngọc, Tuổi Hoa, Tuổi Thơ, Vàng Anh, 19-5 xuất hiện dịch bệnh với 12 ca nhiễm, trong đó có 1 ca tử vong. Ca tử vong này là học sinh Trường MN Sơn Ca. Khi phát hiện bé bị sốt, nhà trường mời phụ huynh tới đưa bé đi bệnh viện. Sau đó bé mất tại bệnh viện. Ngay lập tức, Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 đã xuống trường tiến hành phun xịt và khử khuẩn theo quy định của ngành y tế. Hiện tại có 1 bé ở Trường MN Vàng Anh đang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu và phải tiến hành lọc máu.
Được biết, Q.8 có 17 trường MN công lập, trong đó có 16 trường có tổ chức giữ trẻ trong dịp hè. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, các trường MN đã đồng loạt đóng cửa. Theo đó, bắt đầu từ ngày 12-7, gần 200 bé đang học hè tại Trường MN Vườn Hồng phải nghỉ ở nhà. Cô Quách Hương Trinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù nhà trường đã quy định, bé sốt thì cho ở nhà nhưng nhiều phụ huynh vẫn cứ mang con tới trường và gửi theo thuốc nhờ cô giáo cho uống. Một số giáo viên vì nể nang nên đã nhận bé. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh TCM khá phức tạp. Nhiều ca nặng không có triệu chứng rõ nét khiến cho chúng tôi rất lo lắng. Vì vậy mặc dù rất thương phụ huynh không có chỗ gửi con nhưng chúng tôi vẫn phải ngưng hoạt động hè theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT. Dù sao thì ở nhà, một mẹ, một con, bé cũng an toàn hơn. Nhà trường cũng đã nhắc nhở phụ huynh phải theo dõi chặt chẽ những biểu hiện của bé. Khi phát hiện bé sốt cao, đi đứng loạng choạng, thở mệt phải nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhiệt đới. Trước đó, nhà trường cũng đã phát tờ rơi ghi rõ ba bước phòng bệnh TCM tới từng phụ huynh”.
Về việc các trường MN trên địa bàn Q.8 đóng cửa, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Theo quy định, giáo viên MN được nghỉ hè hai tháng. Do vậy, việc học hè là do thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường từ học phí, tiền ăn cho đến thời gian. Nếu các trường cảm thấy không an tâm trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ thì có thể thỏa thuận với phụ huynh để ngưng hoạt động hè”…
Sẽ không có chuyện đóng cửa trường trong năm học

Trừ quận 8, còn lại các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM vẫn hoạt động bình thường trước dịch tay-chân-miệng. Ảnh: T.L
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP thì các quận, huyện có nhiều ca bệnh TCM là Q.8, Q.10, Q.11, Q.12, Gò Vấp, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Tân. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi thì ngoài các trường MN trên địa bàn Q.8 ngưng hoạt động hè, các trường MN ở những quận, huyện khác vẫn hoạt động bình thường…
Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 cho biết: “Hầu hết các trường MN trên địa bàn quận đều tổ chức dạy hè. Và đến thời điểm này các trường vẫn hoạt động bình thường. Để đảm bảo an toàn cho các bé, phòng GD-ĐT đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng quận tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường”…
Tại Q.Gò Vấp cũng vậy. Theo ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì đầu tháng 6, UBND quận đã triển khai “Tháng cao điểm triển khai chiến dịch phòng, chống bệnh TCM”. Theo đó, tất cả các ban ngành, đoàn thể đã cùng nhau vào cuộc. Đặc biệt, trung tâm y tế dự phòng quận tới từng trường để tập huấn cách nhận biết cũng như phòng chống bệnh TCM cho giáo viên. Các trường MN được phát cloramin B để vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đồ chơi của học sinh. Theo đó, tình hình dịch bệnh TCM ở khu vực trường học giảm đáng kể. “Nhu cầu phụ huynh gửi con trong dịp hè ở Q.Gò Vấp khá đông, địa phương đã khống chế được dịch bệnh nên các trường MN vẫn hoạt động bình thường”, ông Tuấn cho biết.
Theo dự báo của bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP thì: “Dịch bệnh TCM sẽ tăng nhanh vào tháng 9, khi mà các trường bước vào năm học mới”. Liệu các trường có phải đóng cửa không khi dịch bệnh xuất hiện?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn khẳng định: “Không phải cứ xảy ra dịch bệnh là đóng cửa trường học. Chủ trương của ngành GD-ĐT là nhanh chóng dập dịch khi trong trường có ca bệnh, không để lây lan”.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang cũng cho biết: “Đóng cửa trường hay không còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh chỉ xảy ra trong một lớp thì đóng cửa lớp. Nói như vậy không có nghĩa là trong một lớp mà có nhiều ca bệnh thì phải đóng cửa. Việc đóng cửa phải dựa trên những tiêu chuẩn của ngành y tế. Quan điểm của ngành y tế cũng như ngành GD-ĐT là không mong muốn đóng cửa trường mà nâng cao năng lực phòng chống dịch cho các trường”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)