Đoạn trích bài thơ Thương ông (tác giả Tú Mỡ) trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1 đang gây tranh cãi một lần nữa đặt ra vấn đề chọn và đưa ngữ liệu vào sách giáo khoa.
Việc đưa, biên soạn ngữ liệu vào SGK cần thống nhất tính hệ thống, bám sát mục đích của môn học, tránh đánh đố học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Lẫn lộn mục đích
Trả lời báo chí về việc đưa một đoạn trích của bài thơ Thương ông vào sách giáo khoa (SGK) hiện hành, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2, cho rằng khi lựa chọn cho học sinh (HS) lớp 2, ngoài tiêu chí chọn nội dung hay, còn phải quan tâm tới những yếu tố khác. Ông giải thích: “Đoạn đầu bài thơ có câu: “Đi phải chống gậy/Khập khiễng khập khà”. Từ “khập khà” là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ. Nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt cho HS thì đó là từ không chuẩn và khó hiểu với HS lớp 2. Ngoài ra, theo quan điểm của nhóm biên soạn, ở phần đầu có một số câu nôm na, không “thơ” bằng phần sau”. Vì vậy, nhóm biên tập đã thay đoạn trích trước đây (SGK Tiếng Việt 4, bản cũ) bằng đoạn trích mới như trong SGK Tiếng Việt 2, tập 1.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngữ liệu dạy học trong SGK tiếng Việt tiểu học hiện nay đa phần là những văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) có chất lượng của VN và thế giới. Đội ngũ biên soạn đã điều chỉnh, gia giảm (dung lượng, câu chữ) cho phù hợp với tư duy, nhận thức của HS từng khối lớp, đặc trưng của các phân môn (học vần, tập đọc, chính tả, luyện từ và câu…).
"Cũng là những dòng thơ, đoạn văn trong cùng một tác phẩm, một tác giả nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng “dị bản” xảy ra"
TS Bùi Thanh Truyền, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
|
Vấn đề đặt ra ở đây là mục đích đưa ngữ liệu vào SGK. Trong trường hợp này, theo giải thích, chủ yếu giúp HS hiểu và tiếp nhận được ngôn ngữ thông qua một văn bản, cụ thể là một bài thơ. Vậy thì nếu bài thơ Thương ông không đáp ứng được yêu cầu đó với HS lớp 2 thì sao không chọn một văn bản khác? Cớ gì phải điều chỉnh, thay đổi, gia giảm dung lượng… cho phù hợp với nhận thức ngôn ngữ của trẻ 7 tuổi?
Chính việc lẫn lộn mục đích của các môn học còn dẫn đến nhiều hạn chế khác trong việc lựa chọn ngữ liệu đưa vào SGK.
Thiếu nhất quán, hệ thống
TS Bùi Thanh Truyền, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về SGK tiếng Việt hiện hành, cho rằng việc chọn ngữ liệu hiện nay vẫn còn thiếu tính nhất quán, hệ thống.
“Đọc kỹ bộ sách, ta sẽ dễ thấy một số ngữ liệu không có sự thống nhất từ lớp 1 đến lớp 5. Cũng là những dòng thơ, đoạn văn trong cùng một tác phẩm, một tác giả nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng “dị bản” xảy ra. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động dạy học, tiếp nhận văn chương của cả thầy và trò”, TS Truyền cho biết.
Ông minh chứng cụ thể bằng 2 đoạn thơ của cùng một tác giả là bài Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân nhưng trích dẫn khác nhau ở 2 khối lớp. Tiếng Việt 1, tập 2, trang 163 ghi: “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông”. Trong khi đó Tiếng Việt 3, tập 1, trang 79 là “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông”.
TS Truyền dẫn chứng thêm cùng là một sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng trong 2 đoạn văn dưới đây, cả cách đặt nhan đề lẫn câu chữ không khỏi khiến người đọc nhầm tưởng rằng chúng được lấy từ 2 văn bản của 2 tác giả khác nhau.
Tiếng Việt 3, tập 1, trang 96 có đoạn văn nhan đề Chiều trên sông Hương: “Cuối buổi chiều, Huế thường trở về trong một vẻ yên tĩnh lạ lùng. Phía bên sông, xóm Cồn Hến nấu cơm chiều sớm nhất trong thành phố, thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc trên mặt nước. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của những thuyền chài gõ những mẻ cá cuối cùng, khiến mặt sông nghe như rộng hơn...”. Trong Tiếng Việt 5, tập 1, trang 11 có bài Hoàng hôn trên sông Hương: “Cuối buổi chiều, Huế thường trở về trong một vẻ yên tĩnh lạ lùng, đến nỗi tôi cảm thấy hình như có một cái gì đang lắng xuống thêm một chút nữa trong thành phố vốn hằng ngày đã rất yên tĩnh này (…). Phía bên sông, xóm Cồn Hến nấu cơm chiều, thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của những thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến mặt sông nghe như rộng hơn”.
Theo TS Truyền, do đặc trưng của phân môn (chính tả – đoạn văn 1 và tập làm văn – đoạn văn 2), sự co giãn về độ dài có thể chấp nhận được nhưng việc dùng sai từ ngữ dẫn đến sai lệch nội dung văn bản thì khác. Rõ ràng “chiều” và “hoàng hôn” không giống nhau về thời gian nghệ thuật. Thêm nữa, đoạn trích thứ nhất thì ghi nguồn là “Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Đoạn trích thứ hai dài hơn, đầy đủ hơn nhưng lại ghi “Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Vậy đoạn nào là nguyên tác, đoạn nào có sự “gia công” của người làm sách? Cách biên soạn như thế sẽ “sửa lưng” người dạy, gây hoang mang cho HS.
Thiếu sự hợp tác, tôn trọng tác giả
Theo các chuyên gia, việc tuyển chọn, chỉnh biên SGK là thẩm quyền của đội ngũ viết sách. Nhưng cắt xén, sửa đổi, ngoài những yêu cầu về tính khoa học, giáo dục, sư phạm của bộ sách, cần phải giữ lại hồn cốt của tác phẩm, ý đồ của nhà văn. Tuy nhiên, không ít bài thơ, bài văn được đưa vào SGK hiện nay đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết khiến mạch thơ, mạch văn bị cắt cơ học dẫn đến đứt đoạn, khó hiểu, làm sai lệch ý đồ của người viết. Có thể nhận thấy điều này khi đối sánh những bài thơ như Đi học, Ngưỡng cửa, Quê hương, Trong lời mẹ hát, Ngày hôm qua đâu rồi?… với sáng tác của các tác giả Minh Chính, Vũ Quần Phương, Đỗ Trung Quân, Trương Nam Hương, Vũ Đình Minh, Bế Kiến Quốc.
TS Bùi Thanh Truyền cho rằng sự kết nối giữa đội ngũ biên soạn với tác giả để có một văn bản hoàn thiện là khá lỏng lẻo. Đa số nhà văn, nhà thơ chỉ biết tác phẩm của mình đã được tuyển vào SGK sau… giáo viên và HS. Chẳng những không được hỏi ý kiến nhằm đảm bảo tính pháp lý về mặt bản quyền, họ cũng bị tước mất quyền đối với đứa con tinh thần ấy. Vậy là nó đẹp hay xấu, hoàn thiện hay dị dạng là do đội ngũ chuyên gia soạn sách quyết định.
TS Truyền cho biết không chỉ có nhà thơ Đỗ Trung Quân kêu trời vì bài thơ Quê hương của mình bị “phù phép” làm cho biến dạng mà không có một lời xin phép nào từ những người làm sách. Trong bộ sách cải cách giáo dục trước đây và SGK thử nghiệm chuẩn bị cho chương trình tiếng Việt tiểu học hiện nay, “tai nạn” tương tự cũng xảy ra với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Khi thấy bài thơ Hành trình của bầy ong bị in sai một từ khá ngớ ngẩn (“chắt” hóa thành “chất”: Chất trong vị ngọt mùi hương/Lặng thầm thay những con đường ong bay) khiến cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm bị tổn hại khá nhiều, tác giả đã chủ động kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục. Vậy mà suốt gần 20 năm, đến khi phổ biến đại trà (Tiếng Việt 5, tập 1, trang 117 – 118), từ “chắt” lúc này mới được hoàn nguyên.
Ý kiến
Thay thế tác phẩm khác cũng là một giải pháp
Có nhiều giải pháp chọn ngữ liệu trong quá trình biên soạn: Có thể lấy nguyên tác phẩm đưa vào hoặc có thể sửa hay hơn, hoặc chọn một trích đoạn hay và cuối cùng là dùng phương án thay thế bằng tác phẩm, đoạn trích khác phù hợp với HS từng khối lớp, đặc trưng của từng phân môn. TS HỒ VĂN HẢI (Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn)
Thêm một đoạn thơ hay có phải “quá tải” ?
Có mấy điều cần lưu ý về bài thơ Thương ông: Thứ nhất, tác giả là một nhà thơ trào phúng thuộc loại bậc thầy của VN; thứ hai đây là bài thơ dành cho lứa tuổi thiếu nhi, cho nên tinh thần của bài thơ vừa hài hước vừa có tính giáo dục cao. Nhưng nếu phải trích thì nên trích đoạn nào? Khi phải lựa chọn thì theo tôi, cứ chọn đoạn trích như cũ vì nó đầy đủ một "tiến trình" hình ảnh, tâm lý, khiến bạn đọc dễ cảm, dễ hiểu. Nhưng có nhất thiết là phải trích không? Thêm một đoạn thơ hay có phải là "quá tải" với HS không? Cực chẳng đã mới trích thơ, còn tốt hơn hết cứ in nguyên bản. Một bài thơ hay không bao giờ là "quá tải" đối với tâm hồn trẻ thơ. Còn một bài thơ trích, lắp ghép tồi tệ thì dù ngắn mấy cũng là… quá tải. Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY
|
Minh Luân – Đăng Nguyên
(TNO)
Bình luận (0)