Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không phải lúc nào người lớn cũng nói đúng và làm đúng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tặng hoa thầy Lê Đức Hân (nguyên Hiệu trưởng THCS Nguyễn Du (Gò Vấp)) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Tình huống giáo dục lần này hẳn khiến không ít giáo viên (GV), nhất là những người có cương vị lãnh đạo trong các nhà trường phải quan tâm, suy nghĩ. Cô hiệu trưởng Bích Ngọc nổi tiếng nghiêm khắc và luôn quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh (HS). Để xây dựng trường học thân thiện, cô có sáng kiến làm hộp thư “Điều em muốn nói” gắn ở trước các lớp. Ngay trước phòng làm việc của cô cũng có hẳn một hộp thư ghi rõ “Hộp thư điều em muốn nói với cô hiệu trưởng”.
1. Đây là một sáng kiến rất hay, giúp các em có thể mạnh dạn viết ra những điều muốn nói mà không dám trực tiếp nói với thầy cô và Ban giám hiệu. Việc làm này rất đáng được hoan nghênh khi xây dựng trường học thân thiện.
Nếu tôi là cô Bích Ngọc trong tình huống này, cách hành xử ab đều phản tác dụng vì nếu nóng giận, xé thư bỏ sọt rác hay tức tối hằn học, giấu thư đi rồi truy tìm tác giả bức thư để xử lý thì cô Bích Ngọc mở hộp thư “Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng” để làm gì? Nếu HS dám nói thẳng nói thật mà cô lại không vừa lòng thì các em sẽ nghĩ rằng cô chỉ mở hộp thư cho vui vậy thôi chứ mình có nói cũng bằng thừa và gây sự bất mãn trong các em.
Cách hành xử c: Bình tĩnh chọn thời điểm thích hợp cho đọc công khai thư đó trước hội đồng sư phạm, coi đây như một bài học quý để BGH cùng GV rút kinh nghiệm trong việc nêu gương sáng trước mọi hoàn cảnh việc làm. Đây là cách hành xử tôi cho là thích hợp nhất. GV chúng ta thường chủ quan trong mọi việc làm và cứ nghĩ là mình nói đúng làm đúng, HS thì nói sao nghe vậy. Nhưng không phải vậy, mà các em cũng biết để ý thầy cô nói và làm có đi đôi không, có là tấm gương sáng cho mình noi theo không? Để cho em HS đã viết thư thấy rằng bức thư của em đã được cô hiệu trưởng đọc và thấy hộp thư “Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng” có tác dụng tốt, thầy cô đã nghe mình nói, sáng thứ hai cô hiệu trưởng sẽ hát quốc ca cùng thầy cô và các em. Khi đi qua các ngã tư có đèn đỏ cô sực nhớ tới bức ảnh mà dừng lại để tự sửa mình.
Cách hành xử d cũng tạm được, giữ lại bức thư như một kỷ niệm khó quên bởi như một lời nhắc nhở khéo để sửa mình. Nhưng cách này chỉ một mình mình biết không được phổ biến cho các GV khác biết rút kinh nghiệm để sửa mình.
2. Với cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện và HS tích cực khi bước vào năm học mới 2008-2009, tôi thấy cuộc vận động này sẽ tạo cho HS sự gần gũi thân tình đối với thầy cô, trường lớp, xóa bỏ sự cách biệt giữa thầy và trò. Như sáng kiến của cô Bích Ngọc mở hộp thư “Điều em muốn nói” cũng là xây dựng trường học thân thiện. Tùy theo tâm lý từng lứa tuổi, từng cấp học, thầy cô có thể tạo điều kiện cho các em trò chuyện và lắng nghe tâm tư tình cảm của các em. Vì có những điều thầm kín mà các em không biết bày tỏ cùng ai. Thầy cô cần phải cởi mở hơn để các em mạnh dạn tâm tình hoặc góp ý xây dựng trường lớp ngày càng tốt hơn. Không phải lúc nào người lớn cũng nói đúng và làm đúng. Là một nhà giáo, chúng ta cần khéo léo và tìm hiểu nguyên nhân trước khi phê bình hay trách phạt các em, đừng để HS bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Tạo mọi điều kiện để HS tích cực xây dựng trường lớp ngày càng tốt hơn và thầy cô luôn là tấm gương sáng cho HS noi theo, trong lời nói và việc làm chúng ta cần rèn luyện nhân cách cũng như tự sửa mình ngày hoàn thiện hơn.
Phan Thị Minh Thi
(Trường Tiểu học An Phước, huyện Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)