Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không phân biệt đối tượng trong chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covdi-19, chiều 2-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 TP.HCM tổ chức họp trực tuyến với các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức.


Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTBC

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, đây là thời điểm đối tượng sinh viên, công nhân về quê là rất nhiều. Tuy nhiên, họ là giới trẻ, có am hiểu công nghệ cao vì thế TP nên mở ngay kênh khai báo online. “Nên triển khai ngay trước tết lộ trình cập nhật online, qua đó sẽ nâng cao công tác  sàng lọc những đối tượng nguy cơ cao. Về việc này, vừa rồi ngành GD-ĐT đã làm rất tốt”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cũng cho rằng, chống dịch hiện nay nên chia làm 2 giai đoạn từ nay đến tết và sau tết. Chú ý giai đoàn sau tết, người dân vào lại TP.HCM để làm việc, đây là thời điểm có nguy cơ cao.

Theo ông, nếu để dịch bùng phát thì hậu quả sẽ rất lớn và khó lường vì thế ngay bây giờ tinh thần chống dịch phải hết sức quyết liệt. Lưu ý không nên “ngăn sông cấm chợ”, thay vào đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chuyến xe từ tỉnh khác vào TP.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh tinh thần phòng chống dịch bệnh của TP trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ban ngành, quận huyện TP.Thủ Đức, đặc biệt người dân.

Ông nhìn nhận, về cơ bản TP làm tốt công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu chưa đến 10 ngày sẽ khiến tình hình khó lường trước, vì thế, trên quan điểm thống nhất các chỉ đạo công tác phòng chống dịch của Trung ương, Bí thư Thành ủy yêu cầu TP phải đặt yếu tố an toàn là trên hết. Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép + 1” đó là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh và chăm lo Tết cho nhân dân.

Mặc dù chú trọng cảnh giác cao độ công tác phòng chống dịch bệnh nhưng phải hết sức bình tĩnh. Rút kinh nghiệm từ các đợt trước, tăng cường kiểm tra, theo dõi, khoanh vùng, truy vết để đi đến kiểm soát chặt chẽ. Điều chỉnh các hoạt động lễ hội, chương trình nào không đảm bảo an toàn thì dừng tổ chức. “Hiện tại hệ thống trường học đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến xem như yên tâm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, khu công nghiệp còn nhiều công nhân là vấn đề cần lưu ý. Tùy theo đặc điểm từng nơi, từng vùng mà thực hiện kinh doanh, sản xuất an toàn. Tránh hốt hoảng mà “ngăn sông cấm chợ””, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. “Phòng chống dịch tốt nhất là không phân biệt đối tượng, vẫn là người dân cụ thể, cán bộ  cụ thể. Như vậy, phải tăng cường tuyên truyền đến từng người dân và tăng cường giám sát, nhắc nhở, cảnh báo”, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Theo Sở Y tế TP.HCM, có 168 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM, trong đó có 152 trường hợp điều trị khỏi (chiếm tỷ lệ 90,48%). Trong số 16 trường hợp có 15 người nhập cảnh; một người cộng đồng đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Hiện sức khỏe 15 bệnh nhân nhập cảnh ổn định, không có triệu chứng, còn bệnh nhân cộng đồng có triệu chứng ho, đau đầu, mất khứu giác.

Về kết quả điều tra, xét nghiệm người tiếp xúc với bệnh nhân 1843 của Bình Dương (con bệnh nhân 1801), TP ghi nhận 49 trường hợp tiếp xúc gần tại TP.HCM, trong đó 47 người đã tiếp cận được và lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả 8 người đã có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Bên cạnh đó, hiện có 28 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện, 24 trường hợp có kết quả âm tính, 4 trường hợp chờ kết quả (tổng cộng lũy tích 2.015 người).

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)