Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không quản được sim rác, không cấp phép Mobile Money

Tạp Chí Giáo Dục

Thuận tiện, minh bạch, giảm thiểu chi phí, hạn chế tiền mặt… tuy nhiên để Mobile Money trở thành “thói quen”, kênh thanh toán “cơm bữa” đối với người dân không dễ.
 /// Ảnh: Ngọc Dương
Ảnh: Ngọc Dương

Đặc biệt khi vấn nạn sim rác, định danh cá nhân và an toàn bảo mật tại VN vẫn còn nhiều bất cập.
Hạn mức tối đa 10 triệu đồng/tháng
Liên quan tới hạn mức thanh toán, trong đề án thí điểm lần đầu tiên được đề xuất 5 triệu đồng/tháng, lần này hạn mức được nâng lên 10 triệu đồng/tháng. Mức này thấp hơn nhiều so với đề xuất 30 triệu đồng/tháng của các nhà mạng, tuy nhiên theo lãnh đạo NHNN, đặc thù của Mobile Money là các giao dịch có giá trị nhỏ. Vì vậy, hạn mức thí điểm bước đầu chỉ để ở mức 10 triệu đồng, sau khi triển khai chính thức sẽ xem xét để nâng dần lên.

Tin vui với các nhà mạng khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình Chính phủ “Đề án thí điểm Mobile Money”, song song với việc sửa đổi Nghị định quy định thanh toán không dùng tiền mặt.

So với đợt trình đầu tiên, lần này đề án có nhiều điểm mới, từ tăng hạn mức thanh toán đến các quy định tiêu chí, điều kiện chặt chẽ để được cung ứng, phát hành. Về khái niệm, Mobile Money là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng. Tiền điện tử (gồm thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động) là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán.
Một cách dễ hiểu, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán, cho biết Mobile Money bản chất là e-Money (ví điện tử) nhưng không có tài khoản ngân hàng. Khác biệt lớn nhất của hai loại hình này nằm ở khâu định danh khách hàng. Với ví điện tử, định danh do ngân hàng làm, còn với Mobile Money, các nhà mạng phải tự làm.
Thông tin quan trọng khác, đề án thí điểm Mobile Money chỉ tập trung vào các doanh nghiệp viễn thông. Để được cung ứng Mobile Money, nhà mạng phải đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, bảo mật, an toàn… Ví dụ, vốn điều lệ đã góp hoặc được cấp tối thiểu 50 tỉ đồng. Đề án bao gồm các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật; cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán (cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán; quy trình an toàn, bảo mật…).
Trao đổi với PV chiều 10.5, một lãnh đạo NHNN cho biết vấn đề “cân não” nhất trong đề án nằm ở khâu định danh cá nhân và bảo mật thanh toán cho khách hàng. Vị này dẫn chứng, giả sử sim điện thoại đứng tên "ông A" nhưng lại giao dịch qua ví Mobile Money của "ông B", khi đó nếu "ông A" dùng sim rác thì khi có vấn đề phát sinh sẽ không lần ra được dấu vết. Do đó, việc định danh tài khoản các khách hàng không chỉ qua thuê bao di động mà cần phải được thực hiện bằng nhiều công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc (vân tay, khuôn mặt…). “Nếu các nhà mạng không quản lý được vấn đề sim rác, định danh khách hàng bằng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn thì chúng tôi sẽ không thể cấp phép cho hoạt động”, lãnh đạo NHNN khẳng định.
Liên quan tới rủi ro này, các chuyên gia của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng để đảm bảo an toàn trong giao dịch, ngoài định danh cá nhân bằng các công nghệ hiện đại, phải có quy định về chia sẻ thông tin – dữ liệu. Chẳng hạn, việc chia sẻ kết quả định danh khách hàng giữa các doanh nghiệp cung cấp Mobile Money với các ngân hàng.
Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng, cần quy định phải luôn có mã xác thực, mã pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng. Đồng thời, phải cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện. Ngoài ra, khách hàng cần nâng cao ý thức và hành động để bảo mật, để hiểu về quyền và thủ tục khiếu nại để giải quyết hiệu quả khi rủi ro xảy ra.
Theo Anh Vũ/TNO

 

Bình luận (0)