Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không thân thiện, giờ học sẽ bị ức chế

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn bề ngoài, mọi người cứ nghĩ rằng nghề dạy học luôn “nhàn hạ”, luôn được “ở trong mát”; không vất vả, khó khăn như những nghề khác… Nhưng thực ra không phải như vậy vì nghề dạy học là một nghề rất khó bởi đó vừa là nghệ thuật, vừa là năng lực chuyên môn.

Nhà sư phạm lỗi lạc Xukhômlinxki (Nga) đã từng nói: “Tôi sẽ tống cổ về nhà bất cứ thầy cô nào mang bộ mặt đưa đám đến lớp!”. Nghề nào cũng có nhiều áp lực, trong đó có nghề dạy học. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây chính là bản lĩnh, là nghệ thuật vượt qua những áp lực để mang đến cho học sinh một giờ dạy đầy hứng thú, đầy niềm vui… Nhiều khi giáo viên có xung khắc chuyện gia đình; sau đó lên lớp và họ mang cả những bực bội đang bị dồn nén vào giờ dạy!

Những tiết dạy này thật kinh hoàng, em nào cũng sợ xanh mặt vì chỉ cần vi phạm một lỗi nhỏ thôi (nói chuyện riêng chẳng hạn) là lập tức “sấm sét” sẽ giáng xuống tức thời… Đúng là: “Bực tức không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên xuất hiện; nó chỉ chuyển đổi từ người này qua người khác”.

Có những giáo viên thiếu sự kiên trì, thiếu sự kiềm chế cần thiết để xử lý tình huống sư phạm. Vì vậy, giờ dạy của họ trở nên ngột ngạt, khó thở và làm ức chế cả người dạy lẫn người học. Cái khó của nghề dạy học chính là đây và nếu khắc phục được những khiếm khuyết này thì giờ dạy mới có không khí vui vẻ, hòa đồng, thân thiện.

Đó là giáo viên hãy coi học sinh như con em của mình, luôn biết khen chê đúng lúc đúng nơi; gợi lên những điều tốt trong tâm tư của các em, chỉ ra những hạn chế để các em từng bước khắc phục. Hạnh phúc, niềm vui, niềm tự hào của người thầy là thấy được sự tiến bộ hàng ngày của các em… Mỗi ngày các em đến trường phải là mỗi ngày mang về bao niềm vui trong học tập, rèn luyện; cảm thấy lớn khôn qua từng trang kiến thức mà thầy cô truyền thụ.

Cách đây hơn 30 năm, khi mới vào nghề; có lần tôi nghe học sinh “truyền tụng” những câu vè về thầy cô (Xin lỗi quý thầy cô có tên, hoặc trùng tên ngẫu nhiên vì đó là “sáng tác dân gian” của đám học trò “nhất quỷ…”): “Nhất Điệp, nhì Long, tam Tòng, tứ Bửu” hoặc “ Nhất Quới, nhì Lan, tam Bình, tứ Hải”… Hỏi ra tôi mới biết đó là tên những thầy cô có tiếng nghiêm khắc đối với học trò. Sự nghiêm khắc cần thiết đó đã giúp cho biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, nên người, nên sự nghiệp…

Trong sự nghiêm khắc đó có sự bao dung, độ lượng; có tấm lòng vì học sinh thân yêu. Muốn trò ngoan thì thầy cô phải nghiêm khắc chứ không phải “hà khắc”!

Lê Đc Đng
(Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)