“Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, chủ yếu vẫn là nguồn lao động thủ công, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự diễn ra thì nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ bị đào thải và thất nghiệp, robot và công nghệ hiện đại sẽ thống lĩnh thị trường lao động. Nếu không nhanh chóng thay đổi, trong tương lai gần chúng ta chắc chắn sẽ trở thành “nô lệ” của robot”.
Nhiều học sinh Trường THPT Hiệp Bình bày tỏ băn khoăn cần những kỹ năng gì để trở thành công dân toàn cầu. Ảnh: A.Hoàng |
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) và ThS. Lê Võ Bình Minh (Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH FPT) với hàng trăm học sinh Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) trong chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức sáng 15-1.
86% nguồn nhân lực sẽ bị đào thải
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, thế giới bắt đầu biết đến cụm từ Cách mạng công nghiệp (CMCN) từ những năm 1780 khi anh em nhà James Watt (người Scotland) phát minh ra động cơ hơi nước nhằm đáp ứng nhu cầu dệt may thời đó, đồng thời làm biến đổi việc di chuyển đi lại của con người và biến đổi sức kéo từ con người và động vật sang sức kéo cơ giới. Không dừng lại ở đó, trí tuệ của con người tiếp tục phát minh ra những dây chuyền sản xuất, hàng hóa được sản xuất hàng loạt. 100 năm sau CMCN 3.0 ra đời đánh dấu bằng sự ra đời của máy tính và kết nối internet. Sau 50 năm, cho đến nay cuộc CMCN 4.0 đang hình thành dựa trên tiền đề của cuộc CMCN 3.0, được dự tính sẽ có sự phát triển vũ bão ảnh hưởng đến đời sống xã hội trên toàn thế giới.
CMCN 4.0 phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Với 3 trụ cột trên, sự xuất hiện của robot có khả năng tư duy như con người, vật liệu thông minh, liên kết vạn vật… sẽ thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội, khiến thế giới trở mình phát triển một cách vũ bão. Sản xuất truyền thống không còn, thay vào đó xuất hiện những ngành nghề mới. TS. Tùng ví dụ, ở Mỹ, các nhà chức trách hiện đang sử dụng những cỗ xe tự động chịu trách nhiệm về an ninh, hơn 2 năm nay chưa hề xảy ra sự cố dù nhỏ nhất. Nhiều nước phát triển như: Nhật Bản, Đức… đã cho ra đời những thiết bị máy móc robot có khả năng tư duy như con người, máy in 3D ứng dụng trong những nhà máy sản xuất.
“Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, chủ yếu vẫn là nguồn lao động thủ công, một khi CMCN 4.0 thật sự diễn ra, robot thông minh và máy in 3D xuất hiện thì ước tính sẽ có đến 86% nguồn nhân lực của Việt Nam bị đào thải và thất nghiệp. Thay vào đó, máy móc và robot sẽ làm chủ thị trường lao động. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không bắt đầu thay đổi để thích ứng thì chỉ 4 năm nữa thôi chúng ta sẽ trở thành “nô lệ” của những con robot”, TS. Tùng nhận định. Ông nói thêm: “Hiện tại, mỗi sáng mở mắt ra, chúng ta liền cầm điện thoại để check facebook, like hay chia sẻ một cách máy móc tức là chúng ta đang là sự “nô lệ” của máy móc ở cấp thấp, sau này sẽ là “nô lệ” kinh khủng hơn”.
Kỹ năng để hội nhập toàn cầu
TS. Nguyễn Thanh Tùng cho biết, khác với con người, robot không cần nghỉ ngơi, không có nhu cầu ăn và không yêu cầu tăng lương… Trong khi đó con người chỉ lợi thế về khả năng cảm xúc. Tuy nhiên, nếu cảm xúc và kỹ năng không được rèn giũa thì không thể cạnh tranh với nguồn nhân lực từ bên ngoài trong thời đại hội nhập. Theo đó, để có thể hội nhập và làm việc được trong cuộc CMCN 4.0, giới trẻ cần phải chuẩn bị 5 kỹ năng cơ bản sau: Hợp tác, tương tác (thể hiện qua khả năng của con người không còn làm việc cá nhân mà làm việc nhóm để dựa trên sức mạnh của nhiều người); giao tiếp (nghe và hiểu, lĩnh hội kiến thức, nói những gì để người khác hiểu và hiểu những gì người khác nói); tư duy sáng tạo (chấp nhận sự khác biệt của người khác, bản thân cũng phải nghĩ khác không đi theo lối mòn đã có trước); năng lực tư duy phản biện; học tập suốt đời. “Khi còn trên ghế nhà trường là cơ hội tốt để các em học tập, rèn luyện. Cách rèn luyện đơn giản nhất là nghiêm túc lắng nghe thầy cô giảng bài và hỏi lại những gì mình chưa hiểu theo tinh thần cầu tiến để nắm chắc kiến thức; tập giải quyết vấn đề nhóm để tương tác. Ngoài ra cần trau dồi vốn ngoại ngữ, bởi thiếu ngoại ngữ thì không thể giao tiếp trong thời đại hội nhập toàn cầu. Nếu trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết thì dù có cuộc CMCN 4.0 hoặc 5.0, 6.0 thì các em luôn có thể tự tin đương đầu với mọi thử thách”, TS. Tùng nhận định.
Học sinh Kiên Giang tiếp cận kỹ năng hội nhập 4.0 Từ ngày 16 đến 19-1, chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT và tỉnh Đoàn Kiên Giang tổ chức, diễn ra tại 11 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Đồng hành cùng chương trình là Trường ĐH Tân Tạo và Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn. Theo đó, mục đích của chương trình nhằm giúp các em học sinh chủ động, tích cực hơn trong việc trau dồi ngoại ngữ, kiến thức xã hội cũng như các kỹ năng mềm trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, chương trình còn trang bị cho các em những kiến thức thiết thực, bổ ích để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. PV |
Trong khi đó, ThS. Lê Võ Bình Minh chia sẻ: Trong quá khứ, đã có những cuộc đình công khi những cuộc CMCN diễn ra, đó là những người không chấp nhận sự thay đổi. Chính họ đang tự giết mình bởi cuộc sống luôn biến đổi không ngừng và buộc con người phải tìm cách thích nghi. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội sẽ xuất hiện rủi ro và thách thức. Do đó, theo ThS. Minh, việc chọn ngành nghề là điều cực kỳ quan trọng. “Khi chọn ngành nghề trước hết phải dựa vào sở thích, đam mê tuy nhiên phải phù hợp với khả năng làm được của mình. Trong thời đại công nghiệp 4.0, dự tính sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới, chúng ta cần sẵn sàng và tự tin để nắm bắt cơ hội để viết nên tương lai của mình…”, ThS. Minh cho biết.
Anh Hoàng
Bình luận (0)