Việc dạy và học ở các cấp, các trường hiện vẫn theo cách thầy đọc – trò chép. Mặc dù ngành GD –ĐT ra sức hô hào thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng xem ra còn khá lâu mới có sự đổi thay!
Cô Đỗ Thị Hồng Hà trình bày cách sử dụng đồ dùng dạy học. (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân chất lượng giáo dục kém thì có nhiều, dưới mắt của các nhà quản lý vỹ mô có thể nó mang lý luận, tính triết học xa vời khó xác định nhưng ở cấp biểu hiện thì có thể kể ra những lý do cụ thể như sau:
GV hiện nay vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước lên lớp: Phân phối chương trình là “pháp quy”, SGK là “pháp lệnh”, chất lượng dạy được đánh giá qua tỉ lệ HS lên lớp và đỗ tốt nghiệp… Buộc người dạy phải ưu tiên hoàn thành công việc của mình trong khung khống chế, bằng cách áp đặt kiến thức và làm thay những phần việc mà lẽ ra HS phải là chủ thể hành động.
Đó là chưa kể, nhiều GV không còn thời gian đầu tư vào việc thay đổi công nghệ dạy học vì còn bận… dạy thêm.
Mục tiêu GD toàn diện không hiện thực khi nhà trường dành phần lớn thời gian chỉ tập trung cho việc tổ chức dạy chữ. Ngoài 3 môn công cụ là toán – ngữ văn – ngoại ngữ, thầy và trò đều chỉ coi trọng các môn sẽ thi trong các kỳ thi quốc gia. Nhiều môn học về xã hội nhân văn – văn hóa nghệ thuật – kiến thức phổ thông bị xem nhẹ hoặc không có mặt trong chương trình giảng dạy. Hiện tượng học thêm choán khoản thời gian gần bằng chính khóa khiến HS không còn thời gian tự học để xem lại bài cũ, chuẩn bị tiết học mới.
Hoạt động thanh thiếu niên qua các tổ chức đội – hội – đoàn chỉ còn duy trì ở hình thức nên không đáp ứng yêu cầu phát triển vế tâm – sinh lý và tốc độ hội nhập thông tin có tính toàn cầu, không thỏa mãn nhu cầu vui chơi – giải trí của lứa tuổi…
Những nguyên nhân trên đã góp phần không nhỏ làm giảm sáng tạo của GV trong giảng dạy, làm mất khả năng chủ động của HS trong việc học. Cả thầy cô giáo và HS đều không có thời gian và động lực để tổ chức và tham gia diễn đàn học tập.
Bộ GD – ĐT cần thiết kế chương trình GD mới sao cho thực sự hiện đại, gọn nhẹ, dễ học, giảm thời lượng và khối lượng một số môn để tăng thêm những môn học khác mà không tạo nên cảm giác nặng nề đối với HS.
Với mỗi môn học, chỉ cần ban hành chương trình khung kèm theo phụ lục là nội dung chi tiết cơ bản. Trong mỗi bộ môn, nên rà soát loại bỏ những kiến thức lạc hậu và không hiệu dụng, giúp người học biết được nhiều mà không cần phải nhớ nhiều. Cho phép tư nhân, (cụ thể là những GV có nhiều kinh nghiệm) soạn SGK.
Nên từ bỏ quan niệm cứng chọn bộ sách GK chung cho các trường học, mà nên giao việc ấy cho GV trực tiếp đứng lớp. Tùy theo thực tế của vùng kinh tế và trình độ HS mà GV được quyền chọn SGK nào thích hợp cho cả thầy và trò. Lúc đó thầy cô giáo sẽ chủ động hình thành giáo trình và luôn đổi mới công nghệ dạy học phù hợp để cung ứng lượng và chất kiến thức cần trang bị cho HS. Đã đến lúc mở cửa thị trường SGK vì yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhân sự của mảng hoạt động này rất phong phú: hàng ngàn GV giỏi khắp cả nước đủ năng lực thay thế một nhóm các giáo sư gọi là đầu ngành lâu nay độc quyền chiếm giữ vị trí viết SGK. Song song với việc thay đổi phương thức đào tạo ở các trường đại hoc Sư phạm, cũng cần coi trọng việc tái đào tạo cho lực lượng GV hiện hữu.
Là những người quản lý trường học, chúng tôi cho rằng không thể tổ chức theo kiểu bồi dưỡng lấy lệ như hiện nay. Kinh phí bỏ ra không nhỏ, hiệu quả thu được không lớn cả trong việc bồi dưỡng theo chu kỳ và thay sách. Tất nhiên phải khuyến khích việc tự học của GV nhưng không thể khoán trắng, lại càng không thể duy trì kiểu làm “cơm chấm cơm” cho có hình thức như thế.
Phải chấp nhận tốn kém nhiều hơn, trả lương gấp đôi để trưng tập GV tham gia các lớp học trong kỳ nghỉ hè. Tập trung GV đến các giảng đường học tập như SV, dùng lương và thưởng khuyến khích người đi học đạt kết quả tốt. Cụ thể hóa bằng giải pháp khả thi đại chúng để thực hiện mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, học và chơi thực sự bổ sung công năng cho nhau tạo ra sự ham thích cho HS khi được đến trường.
Chuyện đọc – chép chỉ là một phần trong hoạt động dạy và học, nhưng hệ quả dẫn xuất từ nó thì lại bao trùm toàn bộ không gian và họat động của nhà trường. Nó làm triệt tiêu tính sáng tạo – tư duy khám phá của cả người dạy lẫn người học, làm phá sản nhiều chương trình cải cách và mục tiêu đào tạo. Phải xem việc tháo gỡ nó như là làm một cuộc cách mạng giáo dục vậy.
Tạ Quang Sum (Vietnamnet)
Bình luận (0)