Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Không thể đánh đồng game với cái xấu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Nếu lấy một số trường hợp cá biệt người chơi có hành vi bạo lực để nói tổng thể game xấu là thiếu công bằng", nhiều chuyên gia tại TP HCM nhận xét và cho rằng cần có cái nhìn tổng thể hơn về game online.

"Game và người chơi game là quy luật tất yếu của cung cầu, cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta cần tách bạch điều này", ông Trương Hoài Trang, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, nói trong một buổi tọa đàm về đề tài trò chơi trực tuyến, diễn ra tại TP HCM tuần trước.

Cần có những nghiên cứu chuyên sâu và đầy đủ về game online để đánh giá đúng về những mặt tốt và hạn chế của nó đối với người chơi và xã hội. Ảnh: Hà Mai.

Theo ông Trang, cấm game là một vấn đề không đơn giản. Việc hạn chế game cũng cần có lộ trình chứ không thể nói "ngày mai là hạn chế luôn", vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp đã bỏ tiền triệu USD đầu tư.

"Muốn giải tỏa một ngôi nhà, người ta cũng báo trước một thời gian, ví như 3 năm sau nhà này phải di dời. Đó là chưa kể hiện nay chúng ta vẫn chưa thống nhất tiêu chí thế nào là bạo lực trong game", ông Trang nói.

Đồng tình với quan điểm không nên đánh đồng game với mọi cái xấu, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, cho rằng nếu dẫn chứng một số trường hợp cá biệt chơi game xong rồi có hành vi bạo lực, tự tử, để nói tổng thể tất cả người chơi game đều xấu, thì không nên và thiếu công bằng.

Trước những lo ngại việc chơi game nhiều làm tăng các yếu tố tạo nên vấn nạn bạo lực học đường, 2 tháng trước Sở Giáo dục TP HCM đã tiến hành một cuộc khảo sát thực tế tác động của game tại nhiều trường tiểu học, trung học, phổ thông, trung học, cao đẳng, cùng các tiệm Internet quanh khu vực trường. Kết quả là: Nếu phân tích tác động thì game online không phải nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường, mà phần nhiều từ môi trường, gia đình, xã hội…

"Rõ ràng thực tế là chúng ta không thể cấm game online vì như vậy sẽ đi ngược với xu thế, thời đại công nghệ thông tin, mà nên có những tác động tuyên truyền để cho gia đình và xã hội hiểu mà quản lý con em mình", Phó giám đốc Sở Giáo dục Lê Hồng Sơn phân tích.

Cũng theo khảo sát của Sở Giáo dục đào tạo TP HCM, có đến 90% người chơi game online tại nhà chứ không phải ở tiệm Internet. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia thì gia đình, xã hội cần góp tay vào việc giáo dục con em chứ không chỉ dùng cấm đoán hành chính để quản lý người chơi và các điểm Internet công cộng.

"Phải có sự góp sức của toàn xã hội, chính bản thân cha mẹ phải quản lý con em mình, như máy tính không để trong phòng ngủ của con, giờ giấc chơi cho phù hợp, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường phải chặt chẽ để tránh việc các em bỏ học đi chơi", ông Sơn đề ra giải pháp.

Ông Nghệ cho rằng "thay vì cấm đoán hành chính thì nên dùng những biện pháp mà cả xã hội cùng có trách nhiệm. Ví dụ như những tuyên truyền cụ thể của gia đình, chăm lo cho con cái…"

Ở một góc độ khác, đại diện tạp chí PC World cho rằng hiện nay cả hệ thống media (nhạc, phim tivi, game…) của Việt Nam đều chưa chú ý đến việc đánh giá tác động thương mại, như bạo lực, sex, cờ bạc như thế nào. "Nếu so sánh với game online thì hiện hay, phim tivi vẫn có những yếu tố bạo lực, cờ bạc", ông Phi Quân, Thư ký tòa soạn PC World, nói.

Thạc sĩ Giáo dục học Phạm Phúc Thịnh nêu ý kiến, nếu cấm trò chơi trực tuyến thì phải mở ra nhiều sân chơi khác cho các em, vì hiện tại TP HCM có rất ít sân chơi cho trẻ. Ông Thịnh cũng đề nghị cần có một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước để đánh giá đúng và đầy đủ về game online, đầy đủ các số liệu thống kê thực tế. "Việc cấp chứng minh nhân dân điện tử cho các em cũng là một cách quản lý hiệu quả đối với trò chơi trực tuyến. Nếu chúng ta cấm trò chơi trực tuyến sẽ làm cho thị trường tiềm năng này rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài", ông Thịnh phân tích thêm.

Tiến sĩ tâm lý trị liệu Trần Thị Giồng thì cho rằng cần phải đẩy mạnh giáo dục trong game online: “Sự phát triển của nhiều sản phẩm game đang lôi cuốn giới trẻ. Theo tôi, một trong những cách để hạn chế mặt tiêu cực là phải đưa yếu tố giáo dục vào trò chơi”.

Trong khi đó, phát biểu trong chương trình “Nói và Làm” của Hội đồng nhân dân và Đài truyền hình TP HCM tổ chức sáng 1/8, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết Sở không cấm game online mà sẽ tạo điều kiện để phát triển trò chơi trực tuyến lành mạnh.

Theo ông Lê Mạnh Hà, đứng trước một vấn đề xã hội, bao giờ yếu tố gia đình, nhà trường và việc giáo dục nhân cách cũng được nêu lên. Nhưng điều quan trọng là vẫn phải kiểm soát không cho những trò chơi xấu phát hành trên thị trường. Ông cho biết đang phối hợp và thúc giục các doanh nghiệp rà soát lại trò chơi, đánh giá tính bạo lực dựa trên tiêu chí trong văn bản mà Sở đưa ra hôm 15/7.

Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cũng nhận xét việc cảnh báo và tuyên truyền lứa tuổi nào được phép tham gia trò chơi trực tuyến chưa được thực hiện tốt. Vì thế nên có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa, ví dụ chỉ cho phép người có thẻ ngân hàng – vì có thẻ này tương đương đã đủ 18 tuổi – chơi game online.

Buổi tọa đàm về game online trong chương trình “Nói và Làm” của Hội đồng nhân dân và Đài truyền hình TP HCM tổ chức sáng 1/8. Ảnh: P.V.

Trên phương diện nhà cung cấp dịch vụ, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, nói: “Về mặt doanh thu lẫn đạo đức, chúng tôi không hề muốn khách hàng ‘nghiện game’. Khi chơi vô độ, chính họ sẽ không có đủ sức khỏe gắn bó với sản phẩm một cách lâu dài. Mặt khác nó cũng tạo dư luận không tốt về cộng đồng game thủ”.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho ra mắt hàng loạt trò chơi giáo dục, đẩy mạnh quảng bá game Audition English trong trường học để học sinh tiếp thu ngoại ngữ tốt hơn”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó giám đốc VTC Intecom, cho biết. “Tuy nhiên, trò chơi dạng này chưa có sức hút với cộng đồng”.

Thuận thiên kiếm là game online đầu tiên do VN sản xuất, với hình ảnh và cốt truyện mang đậm tính dân tộc. Nhưng sản phẩm này chưa thu hút được nhiều người”, Tổng giám đốc VNG bổ sung.

Theo Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM Lê Mạnh Hà, qua 5 năm, ngành game online VN chưa thực sự trở thành nền công nghiệp khi chỉ có duy nhất một sản phẩm do VN sản xuất là Thuận thiên kiếm. "Hạn chế, cấm nhập khẩu trò chơi trực tuyến cũng nhằm kích thích sự phát triển của ngành này", ông Hà nói.

Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã dừng cấp phép trò chơi trực tuyến để chờ quy chế quản lý được ban hành.

Theo VNE

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)