Tại TP.HCM vừa diễn ra tọa đàm “Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay”. Nhiều ý kiến cho rằng, an ninh lương thực luôn là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Vậy nên việc tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế – xã hội – môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đẩy mạnh kết nối viện – trường – doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng mới cho sản xuất lương thực, thực phẩm
Hàng triệu người chết mỗi năm vì đói
Ông Stefan Burkhardt – Trưởng phòng Nam Á/ Đông Nam Á, Trung tâm điều hành Quỹ Hanns Seidel – cho biết, hệ thống thực phẩm an toàn trên toàn cầu là một mắt xích quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, qua đại dịch cho thấy, giá thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
Ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam – thông tin, toàn cầu có hơn 3 tỷ người không có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hàng triệu người chết mỗi năm vì đói. Ở khu vực châu Á, hàng trăm triệu người chịu sự bất ổn về lương thực. Các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em trong các khu vực nông thôn; thanh thiếu niên lao động trong khối phi chính thức; gia đình có thu nhập thấp đều là người chịu tác động trực tiếp.
Chỉ ra các thách thức đối với Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh đến biến đổi khí hậu và mô hình sản xuất sử dụng nguyên liệu đầu vào khá cao ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi cách sản xuất, chế biến sản phẩm để đạt được mục bảo vệ môi trường và có tính bền vững. Trong đó, cần đảm bảo sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và phục hồi các nguồn tài nguyên. Đặc biệt phải làm sao cho hệ thống nông nghiệp có tính chống chịu bền vững trước biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cần tập trung các chính sách loại bỏ suy dinh dưỡng và thiếu lương thực đối với đồng bào thiểu số.
“Hệ thống lương thực bền vững là phải đem đến dinh dưỡng ổn định cho con người, phải có tính bền vững về kinh tế để đem lại lợi ích cho xã hội. Sự thay đổi này còn giúp lương thực thực phẩm Việt Nam vươn xa trong thị trường xuất khẩu”, ông Rémi Nono Womdim cho hay.
Phải tạo thêm giá trị gia tăng cho lương thực, thực phẩm
Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, số lượng, sản lượng lương thực không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước những cú sốc về kinh tế và môi trường. TP.HCM đã nhận thức rất rõ vấn đề này sau khi trải qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Mặc dù TP không thiếu lương thực nhưng khả năng tiếp cận lương thực là rất khó khăn; an ninh lương thực đã bị đe dọa.
Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM – cho biết, sau đại dịch Covid-19 đã có một số vấn đề đặt ra trong triển khai lưu thông các hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng. Đặc biệt, khi ứng phó với các đại dịch như Covid-19 vừa qua thì cần phải có kế hoạch để làm sao có thể linh động, chủ động và thích nghi với các điều kiện trong thời gian sắp tới.
Theo ông Hiệp, cần liên kết được chuỗi sản xuất bắt đầu từ cây giống đến kỹ thuật canh tác, sơ chế, bảo quản; đặc biệt là lưu thông hàng hóa đảm bảo sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm. TP.HCM là một khu đô thị đầu tư phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoàn toàn phù hợp với việc phải có những bước chuyển đổi, ứng dụng mạnh hơn nữa về chuyển đổi số, kết nối giữa viện – trường – doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng mới cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Khâu quy hoạch cần đảm bảo phát triển nông nghiệp, đảm bảo mảng xanh cho TP. Phải tăng cường liên kết hợp tác các vùng sản xuất như Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên để đảm bảo được nhu cầu của người dân TP. Song song đó cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ liên kết, đảm bảo được sự cạnh tranh của nông sản trong nước với quốc tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng cần tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh lương thực, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng để có được “một sức khỏe toàn diện”.
Bà Phạm Trần Thanh Thảo – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM – thông tin, nông nghiệp TP.HCM chỉ chiếm khoảng 2% GRDP nhưng đóng vai trò rất quan trọng. TP là trung tâm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; là trung tâm chế biến, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản, lương thực của cả miền Nam. Năm 2022, TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, TP đặt mục tiêu tăng 15% khả năng cung ứng các loại lương thực thực phẩm so với năm 2020; đến năm 2045, nông nghiệp TP là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu (từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm).
“TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (vựa lương thực và trung tâm nông sản của cả nước) đang đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Một mặt, khu vực này phải đối diện với những thách thức về suy thoái môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, TP và các địa phương trong vùng phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân, sống “thuận thiên”, thích ứng với sự thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu. Do vậy, tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế – xã hội – môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM là hết sức cần thiết và cấp bách”, bà Thảo nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hợp tác với các tổ chức nước ngoài là yếu tố thúc đẩy vấn đề an ninh lương thực thực phẩm đối với đồng bằng sông Cửu Long. An ninh lương thực là một trong những vấn đề quan tâm của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm qua, trong đó đòi hỏi nước ta phải duy trì, bảo vệ, bảo hộ một số diện tích lúa. Đồng thời cần có những giải pháp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên sử dụng cho sản xuất lúa, đặc biệt là vấn đề “sức khỏe” đất; an ninh nguồn nước. Mặt khác, giải quyết vấn đề an ninh lương thực trên thực tế cần có sự tham gia của các địa phương, thể hiện trong kế hoạch quốc gia về chuyển đổi lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm, bền vững đến 2030. Trong đó phải có sự hợp tác liên ngành, đặc biệt giữa các bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Thông qua kế hoạch hành động kêu gọi hợp tác công tư giữa Nhà nước và các địa phương với khu vực tư nhân, trong đó có các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để có những hành động cụ thể đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng; kêu gọi sự đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…
Minh Phương
Bình luận (0)