Học sinh xem lại đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: V.Yên
|
Trong số báo ra ngày 6-10, Giáo dục TP.HCM có bài: Một kỳ thi và việc tuyển sinh các trường nghề phản ánh về việc giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề đang đứng ở đâu trong đề án một kỳ thi? Phải chăng Bộ GD-ĐT đã quên mất bộ phận này? Tiếp tục xoay quanh vấn đề này, phóng viên Giáo dục TP.HCM có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
GS. Nguyễn Minh Thuyết nói: Đây là chuyện lớn. Tôi nghĩ đến bây giờ không thể thay đổi gì được nữa vì Chính phủ, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đã kết luận là không thay đổi hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng đổi mới căn bản, toàn diện thì không thể duy trì mãi hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay. Theo kiểu tổ chức hệ thống và cung cách phát triển trường lớp như bây giờ thì không thực hiện được việc phân luồng học sinh. Chúng ta dự định hết THCS sẽ tiến hành phân luồng, nhưng các sở GD-ĐT địa phương lại tham mưu cho tỉnh/thành mở ra hàng loạt trường THPT ngoài công lập, không cần chú ý đến chất lượng các trường này. Những trường này đón hết số học sinh không vào được trường công lập, vậy thì học sinh nào đi học nghề? Hết THPT cũng không phân luồng được vì Bộ GD-ĐT lại tham mưu cho Chính phủ mở ra hàng trăm trường ĐH, CĐ, với tốc độ mỗi tháng 2 trường. Số học sinh không vào được các trường tốt, sẽ vào những trường mới mở ra, đóng cả chục triệu đồng học phí mỗi năm, mất 4 năm học, để rồi chẳng có việc làm, nhiều em phải vòng lại học trường nghề.
Kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ?
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia có ba điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ: Thứ nhất, kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Thứ hai, thí sinh đăng kí dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi. Thứ ba, các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc đề xuất các khối thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo.
|
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, câu chuyện phân luồng phải giải quyết bằng cách khác. “Nhiều lần tôi đã giới thiệu mô hình của nước Đức. Ở Đức, thời gian học tiểu học là 6 năm. Sau 6 năm, người ta sẽ tư vấn cho học sinh chọn trường trung học. Một loại trường 6 năm, dành cho học sinh giỏi, có hướng vào ĐH. Một loại trường 5 năm dành cho những học sinh sau này lên học CĐ kỹ thuật. Loại thứ ba là trường 4 năm dành cho những học sinh không có điều kiện học lên CĐ, ĐH, mà học xong là đi học nghề. Vào mỗi loại trường đều có tiêu chuẩn, nhưng người ta cũng tạo điều kiện để những em học ở trường 5 năm có thể thi để chuyển sang trường 6 năm. Có hệ thống giáo dục như thế mới phân luồng học sinh được. Còn ở Việt Nam, chúng ta tắc ở hệ thống giáo dục. Hiện tại, không ai muốn động đến điều này. Chúng ta chủ trương kéo dài THCS cũng không giải quyết được vấn đề gì mà lại gây nhiều lúng túng”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cho biết chương trình mới sẽ có tỷ lệ dành cho địa phương; chương trình THPT sẽ là một chương trình phân hóa, “chuẩn bị nghề nghiệp”. Nhưng chương trình phân hóa cũng chỉ nhằm phục vụ cho hướng vào ĐH, CĐ của học sinh, khác hẳn phân luồng. Còn một chương trình dù có tỷ lệ dành cho địa phương cao đến mấy cũng không phù hợp được với mọi đối tượng ở một địa phương cụ thể. “Gắn với hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, chương trình nào cũng vẫn là một chương trình giáo dục đồng loạt. Nó giống như căng một sợi dây cao 1m50 bắt tất cả đều phải nhảy qua. Vận động viên quốc gia đạt mức 1m90 cũng chỉ được phép nhảy qua 1m50; người không có khả năng nhảy qua 1m20 cũng buộc phải nhảy qua 1m50. Do đó, người không nhảy qua được 1m50 thì kêu quá tải, người nhảy qua 1m90 thì thấy phí thời gian. Trong khi đó, nếu cứ đào tạo 400.000 sinh viên/năm như hiện nay thì cử nhân thất nghiệp chắc chắn ngày càng nhiều mà thợ lành nghề lại thiếu”, GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
Nghiêm Huê (ghi)
Đối với thí sinh, việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục ĐH; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Với cách thức tuyển sinh nêu ra trong phương án, thí sinh sẽ linh hoạt trong việc chọn các khối thi phù hợp, và sẽ giảm mạnh số thí sinh ảo. Việc thí sinh đăng kí xét tuyển sau khi có kết quả thi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Đây là động lực bên trong để các trường ĐH có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
T.B
|
Bình luận (0)