Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không thể tiếp tục tăng trưởng “nóng”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hội nghị kế hoạch ngân sách các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT năm 2012 diễn ra ngày 24-12, trước những đề nghị của các trường về việc tiếp tục tăng chỉ tiêu, tăng học phí… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: không thể tiếp tục để ngành giáo dục tăng trưởng "nóng", mãi chạy theo số lượng như vừa qua và phải chú trọng chất lượng đào tạo.
Vẫn muốn tăng học phí
Theo nhận định của ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, năm 2011, mức thu học phí được tăng theo quy định đã giúp nguồn thu của các trường được nâng lên đáng kể, đáp ứng được chi phí đào tạo ở mức cao hơn. Tuy nhiên, một số trường không đạt được chỉ tiêu giao thu học phí, vì phần học phí không chính quy có chiều hướng giảm do chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 thực tế giảm so với dự kiến. Ở một số trường, chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy giảm tới 40-50% như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Sư phạm Hà Nội…
 

Giờ học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyên An
 
Trong khi nhiều trường công nhận nguồn thu từ học phí giúp họ "dễ thở" hơn, vẫn còn không ít trường cho rằng mức thu này tăng không đáng kể và cần nâng lên nữa để bảo đảm chất lượng đào tạo. Lãnh đạo ĐH Thái Nguyên đề nghị cho nâng học phí thì mới có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất và trả lương cho cán bộ, giảng viên.

Hiệu trưởng Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh, bà Mai Hồng Quỳ, cũng than thở "Không biết lấy nguồn kinh phí nào để trả lương cho cán bộ, giảng viên khi sắp tới lương cơ bản tăng lên". Hiệu trưởng này lấy bối cảnh trường mình: Trao quyền tự chủ đã được nói đến nhiều, nhưng cái cần tự chủ nhất là tăng nguồn thu trong các chương trình đào tạo đặc biệt thì chưa có. Ngay trong một đơn vị, có những ngành nên cho cơ chế chứ không nên cho tiền, vì xã hội sẵn sàng bỏ tiền ra. Nhưng có những ngành mà nhà nước và trường phải đầu tư như Luật Nhà nước, Luật Hình sự, ít được xã hội quan tâm nhưng các cơ quan quyền lực Nhà nước thì rất cần.

Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, ông Đinh Xuân Khoa cũng cho biết, nhà trường đã phải hạn chế cử cán bộ đi hội nghị, hội thảo ở Hà Nội, thậm chí giảm cả việc đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ bằng ngân sách của trường. Ông so sánh: Suất đầu tư cho các trường thuộc Bộ GD-ĐT, khoảng 6 triệu đồng/năm/sinh viên, thấp hơn cả các trường thuộc tỉnh, ví như một trường thuộc tỉnh Hà Tĩnh là 7-8 triệu đồng/năm/sinh viên. Hiệu trưởng Khoa cho rằng với mức đầu tư thấp như vậy mà các trường đào tạo được thì cũng đành phải bằng lòng với chất lượng sản phẩm tương ứng.

Trao đổi lại về học phí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Học phí đã được Chính phủ quy định rõ mức trần đối với 3 nhóm ngành đào tạo để các trường chủ động xây dựng mức thu. Nếu thấy thấp, các trường có thể kiến nghị để Chính phủ trình Quốc hội mới được phép tăng.

Tăng chỉ tiêu thì phải tăng thầy
Nhiều lãnh đạo các trường đều kết nối những khó khăn tài chính với việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Theo Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa của Trường ĐH Vinh, việc trường bị giảm 1.000 chỉ tiêu hệ không chính quy năm 2011 đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Để đỡ khó khăn, ông Khoa đề nghị Bộ giữ ổn định chỉ tiêu chính quy và không giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học xuống dưới 60%.

Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ, một mặt thừa nhận việc cắt giảm hệ không chính quy không đi ngược xu thế chung và được xã hội tương đối ủng hộ, mặt khác cho rằng Bộ nên có cân nhắc, tính toán cho từng ngành cụ thể. Bà Quỳ đưa ra ví dụ trong ngành luật, chính hình thức đào tạo tại chức và văn bằng hai lại là xu thế của thế giới. Hiệu trưởng Quỳ đề nghị Bộ nên phân bổ chỉ tiêu không chính quy theo chuyên ngành đào tạo chứ không nên thành tổng chỉ tiêu, dễ dẫn đến mất cân đối trong ngành, chỉ tiêu sẽ dồn vào ngành dễ đào tạo.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phản hồi: Quy mô phát triển năm nào cũng tăng 10% như hiện nay là quá nóng nên cần phải chấn chỉnh. Đây cũng là cơ hội cấu trúc lại mô hình tăng chỉ tiêu. Nếu các trường muốn tăng chỉ tiêu thì phải tăng thầy, chứ không thể để có nơi thầy dạy tới 3.000 giờ/năm.

Liên quan đến việc các trường ĐH không còn được đào tạo trình độ trung cấp, Bộ trưởng cho biết, đây là việc làm để sửa sai, bởi vốn không có cơ sở pháp lý nào cho việc trường ĐH được đào tạo trung cấp. Sự sơ hở này, theo Bộ trưởng Luận, "liên quan đến hệ thống trường của ta, từ trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng rồi lên đại học không mất bao lâu. Các trường lên đại học rồi vẫn ôm đào tạo trung cấp".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, dự kiến hoàn thành trong quý I-2012. Theo đó, sẽ không còn tình trạng đầu tư dàn trải như hiện nay mà sẽ xác định rõ các cơ chế đặc thù cho các ngành mũi nhọn hay sư phạm. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải ưu tiên giải quyết vấn đề chất lượng chứ không chỉ tìm cách để nâng cao thu nhập cho giảng viên, đồng thời cho biết, "hội nghị tuyển sinh năm 2012 sắp tới sẽ không chỉ bàn việc đổi mới tuyển sinh mà còn bàn về cấu trúc lại hệ thống ĐH, CĐ, nâng cao chất lượng đào tạo và thu nhập cho giảng viên trên cơ sở chất lượng chứ không phải là số lượng".

Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)