Áp lực cuộc sống, dịch bệnh… kéo theo nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần… và ở một mức độ nào đó, bệnh nhân cần được phát hiện, “cấp cứu” kịp thời.
Đào tạo đội ngũ “cấp cứu tinh thần” là một nhu cầu cần thiết. Ảnh: IT
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng lớn nhưng đội ngũ có chuyên môn thì hạn chế, tình nguyện viên thiếu kỹ năng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc, tuyệt vọng do bệnh nhân không biết mình bệnh, có trường hợp biết nhưng không muốn chia sẻ hoặc không có cơ hội bày tỏ và tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Cần có kiến thức nhận diện sức khỏe tinh thần
Tiến sĩ Đỗ Thị Hà – Khoa Điều dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết bà và cộng sự vừa thực hiện xong đề tài xây dựng chương trình hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế phòng dịch Covid-19. Trong nghiên cứu có đánh giá thực trạng sức khỏe tinh thần, tâm lý của nhân viên y tế và nhu cầu cần được hỗ trợ, từ đó xây dựng công cụ đo lường.
Qua nghiên cứu, không chỉ nhân viên y tế mà người dân nói chung cũng đối mặt với nhiều áp lực, vì vậy nhu cầu hỗ trợ tâm lý là rất cấp bách. Đây là một nghiên cứu nhằm giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân và thời gian tới sẽ triển khai áp dụng chương trình đánh giá hiệu quả và mở rộng ra cộng đồng. Tuy nhiên việc tăng cường nhân lực hỗ trợ tâm lý lâm sàng là không đơn giản, cần có sự hỗ trợ kinh phí cũng như cơ chế để đào tạo bài bản.
Bà Hà chia sẻ, việc định hướng sinh viên theo học Paramedics (nhân viên y tế có tay nghề cao, có khả năng ứng phó với trường hợp khẩn cấp) còn nhiều khó khăn. Bản thân mình cũng khó trả lời cụ thể những câu hỏi như: ra trường làm gì, lương bao nhiêu, tương lai của em như thế nào?
Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, bà Trang Jena Nguyễn – đồng sáng lập Survival Skills Vietnam thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe cộng đồng (CCHS) cho rằng, để chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt nhất, trước hết phải nâng cao nhận thức.
Cũng theo bà Trang, chăm sóc sức khỏe tinh thần những ca nặng không đơn giản, bên cạnh chuyên môn còn cần nhiều kỹ năng. Thực tế, có người bị trầm cảm nhưng bản thân không biết, còn người biết thì không có động lực để làm, để thay đổi mình. Vì vậy cần có bước trang bị kiến thức cho tất cả các thành viên trong gia đình để nhận diện các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Sẽ đào tạo đội ngũ “cấp cứu tinh thần”
Chuyên gia sơ cấp cứu, ông Tony Coffey cho biết ở Úc việc đào tạo sơ cấp cứu được tổ chức thường xuyên để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Có những trường hợp bệnh nhân được hỗ trợ tại nhà, bệnh viện, cần thiết thì chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp qua dịch vụ điện thoại kèm hình ảnh. Khu vực người dân thường tìm đến tự tử cũng được trang bị điện thoại, bệnh nhân có thể gọi vào tổng đài để chia sẻ. Nhân viên tư vấn có kiến thức nền tảng về tâm lý, đặc biệt là có kỹ năng lắng nghe.
“Trong suốt thời gian dịch Covid-19, tỷ lệ người dân Úc có vấn đề về sức khỏe tinh thần cao hơn 30% và hầu hết họ không biết mình đang bệnh. Đây là lý do tại sao phải giáo dục kiến thức nền tảng cho họ và người thân trong gia đình để nhận diện các dấu hiệu. Ngoài ra, lồng vào các chương trình truyền hình cũng thường xuyên phát những câu hỏi, đại loại như: Hôm nay bạn có ổn không? và lặp đi lặp lại với mục đích để họ nói ra vấn đề đang gặp phải. Thông thường họ giấu, không chia sẻ với ai nên mình chủ động hỏi họ”, ông Tony Coffey chia sẻ kinh nghiệm.
Không chỉ nhân viên y tế mà người dân nói chung cũng đối mặt với nhiều áp lực, vì vậy nhu cầu hỗ trợ tâm lý là rất cấp bách
Từ kinh nghiệm, ông Tony Coffey cho rằng cần giáo dục từng cấp độ cho những người trong gia đình và có hệ thống tư vấn miễn phí. Nhân viên tư vấn không cần những chuyên gia mà chỉ cần biết lắng nghe, được đào tạo qua các khóa ngắn hạn.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì: “Sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần, người dân có thể sàng lọc tại các nhà thuốc, phòng khám hoặc cơ sở y tế. Qua sàng lọc, nếu ở mức độ nhẹ có thể tự điều chỉnh, còn nặng hơn thì đến tuyến chuyên khoa để gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý, tâm thần của bệnh viện”. |
Trước thực trạng thiếu nhân viên y tế có tay nghề cao phục vụ cấp cứu tinh thần, dược sĩ Trương Văn Đạt (Trường ĐH Y dược TP.HCM) đặt vấn đề huy động nguồn lực từ y tế tư nhân cũng như phát huy vai trò của hội nghề nghiệp để hội viên cùng tham gia. TP.HCM hiện có khoảng 6.000 nhà thuốc và gần 7.000 phòng khám tư nhân, với đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ này có thể hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân. Theo đó, trong quá trình đào tạo chuyên môn y học gia đình thì nên xây dựng chương trình để đào tạo, huấn luyện để họ hiểu, nhận diện sức khỏe người dân.
“Người dân có vấn đề về sức khỏe, đầu tiên họ đến nhà thuốc hoặc phòng mạch. Nếu ở đó có kiến thức, nhận diện sức khỏe người dân thì họ hướng dẫn người dân đến cơ sở nào đó kịp thời”, dược sĩ Đạt gợi ý.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Quốc hội đang bàn và kỳ vọng sẽ có mã ngành đào tạo nhân viên y tế tay nghề cao để không chỉ cấp cứu thân thể mà còn cấp cứu tinh thần, vì vậy rất cần các trường đại học chuyên ngành hỗ trợ và đặc biệt là Chính phủ Úc.
“Sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần, người dân có thể sàng lọc tại các nhà thuốc, phòng khám hoặc cơ sở y tế. Qua sàng lọc, nếu ở mức độ nhẹ có thể tự điều chỉnh, còn nặng hơn thì đến tuyến chuyên khoa để gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý, tâm thần của bệnh viện”, bác sĩ Tăng Chí Thượng thông tin.
T.An
Bình luận (0)