Đó là trường hợp của bệnh nhân N.H.T (41 tuổi), bị hóc xương cá cách đây 5 năm. Do dị vật ghim sâu vào trong phần phế quản trung gian, nên làm cho phổi bị đông đặc và viêm mủ mãn tính. Sử dụng phương pháp nội soi không được, ê-kíp mổ đã phải cắt thùy dưới phổi phải mới lấy được dị vật ra ngoài.
Để tránh bị hóc xương, nên ăn chậm và tránh đùa giỡn khi ăn những loại thức ăn có xương |
Không nên chủ quan
Theo lời kể của anh T., cách đây 5 năm trong một lần ăn cơm anh bị hóc xương cá nhưng cố nuốt vào. Triệu chứng phổ biến sau đó là ho thành nhiều đợt kéo dài, tái lại nhiều lần, dù điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Vào thời điểm cuối tháng 6, anh T. đột nhiên bị sốt cao liên tục trong vòng 3 ngày, người mệt mỏi, ho khạc ra đàm màu vàng nên đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu. Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ Cao Minh Thông (Chuyên khoa Ngoại tim mạch – lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết, kết quả chụp MSCT phổi phát hiện trong phổi anh T. có dị vật nằm trong phế quản của thùy dưới phổi phải. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ho kéo dài và các biến chứng viêm phổi kèm theo.
Bác sĩ Thông lưu ý, những ca hóc xương thông thường chỉ cần nội soi là có thể gắp được dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, đối với trường hợp của anh T., do xương cá đã bị ghim sâu vào trong phần phế quản trung gian, khiến phổi bị đông đặc và viêm mủ mãn tính. Do sử dụng phương pháp nội soi thông thường không thể gắp được dị vật, nên các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn và đi đến quyết định cuối cùng là phải mổ hở. Sau 2 giờ phẫu thuật, ê-kíp mổ đã cắt thùy dưới phổi phải mới lấy được mẩu xương cá ra ngoài, đồng thời cắt bỏ phần phổi đã bị tổn thương do dị vật gây nên. Đến ngày 29-6, tình trạng sức khỏe anh T. hồi phục tốt và đã xuất viện vài ngày sau đó.
Trong trường hợp bị hóc xương, điều cần làm là lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp sớm và đúng cách khi có những biểu hiện như đau họng, khó thở, vướng khạc không ra, ho khan dai dẳng. Riêng đối với trẻ nhỏ, nếu thấy những dấu hiệu bất thường như khó nuốt, chảy nước miếng liên tục, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. |
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trần Anh Đào (Chuyên khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), trường hợp biến chứng của hóc xương cá quá lâu trong suốt 5 năm là rất hiếm gặp. Do đó, trong trường hợp bị hóc xương hoặc dị vật, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu để được kiểm tra xử lý kịp thời, nhằm tránh tình trạng đáng tiếc như ca bệnh trên. Vì nếu được phát hiện sớm, bác sĩ có thể lấy dị vật ra ngoài bằng phương pháp nội soi, không phải phẫu thuật và có thể tránh được các biến chứng do dị vật gây ra.
Tránh sử dụng phương pháp dân gian
Đó là lời khuyên của bác sĩ Lê Trần Quang Minh (Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM). Bác sĩ Minh lưu ý, thông thường khi bị hóc xương cá, nạn nhân hay thò tay vào họng để móc lấy xương ra, hoặc nuốt một miếng cơm lớn hay ăn miếng chuối để đẩy dị vật xuống. Tuy nhiên đây là những hành động chỉ có hại cho cơ thể. Vì hành động cố móc hoặc cố khạc dị vật vô tình sẽ làm xung huyết hoặc trầy xước niêm mạc họng và có thể gây viêm nhiễm. Nguy hiểm hơn nữa là việc cố ăn để đẩy xương xuống sẽ làm dị vật kẹt lại ở dưới hạ họng hoặc thực quản. Khi đó việc “giải cứu” dị vật sẽ trở nên phức tạp hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ buộc phải sử dụng thủ thuật gây mê và dùng ống nội soi cứng mới có thể lấy dị vật ra ngoài.
Cảnh báo về tình trạng dị vật đường thở bị bỏ quên, bác sĩ Dương Thanh Hồng (Trưởng khoa Đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP) cho rằng một trong những nguyên nhân khó phát hiện là do những dấu hiệu khá mơ hồ. Tai nạn lại thường xảy ra trong khi ăn uống, trong lúc đùa giỡn nên khi gặp phải một cơn sặc (còn gọi là hội chứng xâm nhập) trong một vài giây, hoặc khi đã nuốt xương xuống thấy êm nên bệnh nhân chủ quan và bỏ quên đi. Đối với người lớn đã khó phát hiện, thì đặc biệt với trẻ con khi có dị vật đường thở bỏ quên càng khó phát hiện hơn. Do trẻ con không có khả năng phát hiện được hội chứng xâm nhập đó. Điều này là rất nguy hiểm vì dị vật đường thở hay dị vật thực quản là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy để đề phòng tai nạn hóc xương, người dân nên chú ý cẩn trọng trong ăn uống, nên ăn chậm, nhai kỹ, không đùa giỡn hoặc nói chuyện trong khi ăn, đặc biệt là khi ăn những loại thức ăn có xương. Trong trường hợp bị hóc xương, tuyệt đối không dùng tay móc hoặc cố nuốt xương vào, ngoại trừ khi đã xác định chắc chắn đó là xương dăm rất nhỏ. Đặc biệt bệnh nhân nên tuyệt đối tránh thực hiện theo các phương pháp dân gian truyền miệng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Vũ Phương
Bình luận (0)