Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không thông qua mức tăng học phí đại học 255.000đ/tháng

Tạp Chí Giáo Dục

UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, học phí mầm non và phổ thông bằng 6% thu nhập gia đình là khá cao và việc xác định thu nhập cũng rất phức tạp. UB cũng đề nghị không đánh đồng học phí cao đẳng và trung cấp nghề…

Đó là những nội dung trong báo cáo thẩm tra của UB này đối với Tờ trình của Chính phủ về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2010 vừa được trình bày sáng nay (30/5) tại Quốc hội.

Nếu áp dụng 6% ngay là quá đột ngột

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, đề án của Chính phủ xác định quan điểm, học phí không là gánh nặng tài chính với gia đình học sinh. Học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Báo cáo thẩm tra do UB Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng do Chủ nhiệm UB, Đào Trọng Thi trình bày cho rằng, ở nhóm các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm từ 1,9 đến 7,95% thu nhập bình quân của hộ gia đình, còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2% đến 10%.

Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp mà áp dụng mức 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh  chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn.

“Nếu áp dụng ngay từ đầu mức học phí trần như Đề án đề xuất thì mức tăng quá lớn và đột ngột đối với một số địa phương và một bộ phận học sinh. Bởi vậy nên có lộ trình tăng dần từng năm và mức học phí trần dự kiến chỉ nên áp dụng vào năm cuối của Đề án, ông Thi phân tích.

Về tổ chức thực hiện, việc xác định thu nhập của hộ gia đình là rất phức tạp. Vì quản lý thu nhập hiện nay chủ yếu dựa vào lương và bằng tiền mặt nên việc tính toán thu nhập bình quân của hộ gia đình khó đảm bảo chính xác và công bằng.

Ngoài ra, hiện nay mới chỉ tính được mức thu nhập bình quân ở cấp tỉnh mà chưa tính được ở cấp huyện, xã. Cũng cần có biện pháp quản lý để tránh tình trạng sau khi đã xác định mức thu, học sinh sẽ dồn vào vùng học phí thấp.

Riêng đối với bậc giáo dục trung học cơ sở, nhiều thành viên Ủy ban đồng tình với Đề án là thực hiện phổ cập miễn học phí. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần có lộ trình tiến tới miễn học phí.

Cũng có ý kiến đề nghị trong khi chưa thực hiện miễn phí cho toàn bộ học sinh trung học cơ sở thì có thể ưu tiên miễn phí cho học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi.

Khó chấp nhận Trung cấp nghề bằng Cao đẳng nghề

Theo đề án, học phí đại học sẽ tăng dần từng năm trong giai đoạn 2010 – 2014 và mức tăng cụ thể tuỳ theo từng nhóm ngành (7 nhóm ngành). Riêng năm học 2009 – 2010, học phí đại học sẽ  tăng từ 180.000đ lên 255.000đ/tháng, học phí nghề tăng từ 120.000đ lên 170.000đ/tháng.

UB Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên cho rằng, đối với hệ đào tạo nghề nghiệp, trong Đề án mỗi năm chỉ có một mức học phí trần duy nhất khá cao và có khoảng cách rất lớn so với mức học phí hiện hành.

UB đề nghị coi đây là mức trần học phí của từng năm và đề xuất một cơ chế hữu hiệu gắn mức học phí với chất lượng giáo dục. Cụ thể như sau: chia nhỏ khoảng chênh lệch giữa mức học phí hiện hành và mức trần học phí của năm cuối Đề án thành một số mức tương ứng với các mức chất lượng khác nhau và quy định các cơ sở giáo dục chỉ được thu học phí ở mức tương ứng với chất lượng đã được kiểm định công nhận.
Nhóm ngành
Năm
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật
180
255
290
350
410
480
550
2. Kỹ thuật, công nghệ
180
255
310
390
480
560
650
3. Khoa học tự nhiên
180
255
310
390
480
560
650
4. Nông – lâm – thuỷ sản
180
255
290
350
410
480
550
5. Y dược
180
255
340
450
560
680
800
6. Thể dục thể thao, nghệ thuật
180
255
310
390
480
560
650
7. Sư phạm
 
 
280
330
380
440
500
Khung học phí đại học của các nhóm ngành đạo tạo đại trà, giai đoạn 2009 – 2010. Đơn vị: nghìn đồng/tháng/sinh viên

Theo UB, việc áp dụng nghiêm túc, công khai, minh bạch cơ chế này sẽ tạo động lực khuyến khích cơ sở giáo dục chủ động tham gia kiểm định chất lượng và tích cực phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, UB cho rằng, mức học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề bằng nhau là khó chấp nhận; mức học phí của trung cấp nghề quá chênh lệch so với cấp trung học phổ thông là không hợp lý, không công bằng đối với các đối tượng cùng lứa tuổi và không khuyến khích học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề.

Từ đó, đề nghị tách riêng khung học phí của trung cấp nghề đối với đối tượng sau trung học cơ sở và quy định mức học phí phù hợp theo quan điểm nói trên. Nhà nước thực hiện giảm học phí cho đối tượng học sinh sau trung học cơ sở đi học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Mức cụ thể sẽ do Chính phủ quy định hợp lý.

Trong Đề án đã bổ sung lộ trình thực hiện tăng học phí từng năm, tuy nhiên Ủy ban lưu ý Bộ GD-ĐT phải có cơ chế và biện pháp chỉ đạo chặt chẽ để các cơ sở giáo dục chấp hành nghiêm túc lộ trình tăng học phí.
Riêng với năm học 2009 – 2010, UB đề nghị chỉ tăng mức trần học phí Đại học từ 180.000đ lên 230.000/ tháng (thay vì 255.000đ/tháng như đề xuất) và tăng học phí đối với Cao đẳng nghề từ 120.000đ lên 155.000đ/tháng (thay vì 170.000đ/tháng như đề xuất).

Khi người học chấp nhận đóng học phí cao hơn thì họ có quyền chính đáng đòi hỏi phía cơ sở giáo dục phải cam kết và hơn thế phải có cơ chế cụ thể đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí đã thu. Thuật ngữ “chất lượng cần thiết tối thiểu” đối với “chương trình đại trà” trong Đề án là không rõ ràng, cụ thể và chỉ nên dùng tạm thời trong quá trình phấn đấu đạt mục tiêu “chất lượng chuẩn” (như Ủy ban đề nghị). Bộ GD-ĐT cần công bố tiêu chuẩn thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể đối với “chất lượng chuẩn” làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng (Trích báo cáo thẩm tra).

Cấn Cường (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)