Quan điểm không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ đang rất đúng với tình hình dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã trao đổi về vấn đề đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.
Tại hội nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Hà Nội vừa qua, một trong những nội dung được bàn thảo là đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ. Theo ông, việc này có cần thiết không?
Rất cần thiết đối với Việt Nam và mọi quốc gia (ngoài nước Mỹ) nói chung. Lý do đầu tiên là hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá trị USD, euro, yên và nhân dân tệ đều thay đổi. Xu thế USD yếu đi ngày càng rõ. Từ khi đổi mới đến nay, chúng ta không còn phụ thuộc vào đồng rúp chuyển nhượng nữa mà giữ tỉ giá gắn với USD. Dự trữ ngoại tệ chủ yếu cũng là USD. Trong khi đó, giao dịch thương mại phần lớn gắn với Trung Quốc. Chúng ta cũng mua bán với châu Âu và Nhật và dùng USD.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Việt Nam cần phân tích đồng tiền nào sẽ giữ, lên hay xuống giá mà quyết định khôn khéo.
Nhiều ý kiến cho rằng nhân dân tệ có thể thay thế USD. Quan điểm của ông ra sao?
Kinh tế Mỹ vượt Anh vào năm 1928 nhưng phải đến năm 1944, USD mới thay thế được bảng Anh. USD suy yếu và theo cách tính mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dựa vào sức mua, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ vào năm 2016. Tuy nhiên, nhân dân tệ khó mà vượt được USD vào năm đó. Ngoài vị thế có được nhờ tỉ trọng xuất khẩu, nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền mạnh do hệ thống ngân hàng Trung Quốc chưa phát triển. Uy tín của hệ thống này vẫn còn là một câu hỏi. Vậy nên, không phải vì sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế mà nhân dân tệ sẽ thay thế ngay USD.
Tôi nghĩ Việt Nam nên có một rổ ngoại tệ gồm USD, euro, yên và nhân dân tệ. Với sự tăng giá vàng như hiện nay, chúng ta cũng nên tính đến việc dự trữ một lượng vàng nhất định. Năm 2010, Trung Quốc rất khôn ngoan khi mua vào 500 tấn vàng và có lời lớn vì giá vàng tăng.
Chính phủ đang có xu hướng hạn chế việc mua bán vàng trong dân. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có nên mua số vàng này hay không?
Rất tốt nếu Ngân hàng Nhà nước có được số vàng này. Sau đó có thể ký thác số vàng đó với ngân hàng nước ngoài và có được lượng ngoại tệ lớn. Nếu lượng vàng trong dân khoảng 500 tấn thì sẽ tương đương với 22-24 tỉ USD. Đây là lượng ngoại tệ lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ dự trữ hiện nay.
Nhưng liệu việc tung tiền ra để mua một lượng vàng lớn như vậy có gây ra lạm phát?
Đúng vậy. Vì thế tôi nghĩ cần phải có một thị trường vàng tương tự sàn vàng, cho phép kinh doanh vàng, vàng tín chỉ chứ không nhất thiết là vàng vật chất. Có thể dùng vàng tín chỉ để cầm cố ở ngân hàng nước ngoài. Không cần tung một lượng tiền lớn ra thị trường. Nhưng để làm việc này phải có sự minh bạch trong hoạt động của sàn vàng cũng như xuất nhập khẩu vàng. Khi Ngân hàng Á Châu (ACB) thành lập sàn vàng, Hiệp hội Kinh doanh Vàng đã 8 lần đề nghị nên xây dựng khung pháp lý nhưng đều không được chấp nhận. Cấp chỉ đạo muốn giữ nguyên quyền chỉ định nhập khẩu vàng của mình. Các doanh nghiệp không đồng ý, họ muốn đấu thầu công khai.
Tại sao cấp chỉ đạo lại muốn giữ quyền chỉ định nhập vàng?
Theo tôi, việc này liên quan đến lợi ích nhóm. Với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, có khi đến 2 triệu đồng/lượng như năm 2010, những đơn vị được chỉ định nhập vàng sẽ thu được lợi ích rất lớn. Buôn lậu vàng vì vậy diễn ra rất sôi động, có năm lên đến 20 tấn. Tại sao lại không thể kiểm soát được lượng vàng lớn như vậy? Tôi không tin là không ai biết vì muốn buôn lậu vàng phải có ngoại tệ và tổ chức cả đường dây.
Khung pháp lý do Hiệp hội Kinh doanh Vàng đề nghị là như thế nào?
Hiệp hội đề xuất là phải có tiêu chí, cho phép mua bán, đấu thầu công khai. Cái dở của sàn vàng ACB là chỉ ký quỹ 8-12% mà lại được phép kinh doanh đến 100%. Như vậy, mức độ đầu cơ và rủi ro quá lớn. Các quốc gia khác đều có sàn giao dịch cho mỗi loại hàng hóa. Việt Nam cũng đã có sàn giao dịch cà phê. Vì vậy tôi ủng hộ ý tưởng lập sàn vàng.
Ký quỹ bao nhiêu là hợp lý?
Điều này còn tùy vào thông lệ thế giới. Không nhất thiết là 100% nhưng phải bảo đảm an toàn, tránh việc đầu cơ. Mức ký quỹ 8-12% của ACB là quá thấp.
Trở lại vấn đề đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, đây là việc tốt hay xấu đối với doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp nên sử dụng nhiều đồng tiền, tránh bó cứng vào USD. Những lúc USD mất giá so với yên và euro, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn rất lớn.
Nhưng buôn bán bằng USD đã thành thói quen và việc thay đổi thói quen là rất khó?
Ngân hàng phải trợ giúp và hướng dẫn doanh nghiệp. Tôi nghĩ Nhật và Liên minh châu Âu sẽ không phản đối việc dùng yên và euro để mua bán. Nhưng đối với Trung Quốc, cần thận trọng vì nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc quá lớn. Chúng ta hiện phải dùng USD kiếm được từ các nguồn khác để thanh toán cho Trung Quốc. Nếu dùng nhân dân tệ tức là phải vay thêm từ họ. Vậy ngoài việc phụ thuộc vào hàng hóa, chúng ta lại phụ thuộc thêm về mặt tài chính và ngân hàng. Rủi ro sẽ rất lớn.
Ông nghĩ USD còn đi xuống nữa hay không?
Với tình hình nợ công cao, ngân sách gặp khó khăn, thâm hụt thương mại lớn và thất nghiệp cao như hiện nay, nền kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn. USD vì vậy còn biến động nhiều và có thể tiếp tục xuống giá so với các đồng tiền khác.
Nghị quyết 11 vừa rồi đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông, tình hình kiềm chế lạm phát hiện nay như thế nào?
Định hướng này rất đúng đắn và đáng được hoan nghênh. Đây là nghị quyết duy nhất của Chính phủ từ trước đến nay không nhắc đến tăng trưởng cao và nhanh. Nhưng liệu có đạt được những mục tiêu đặt ra hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Cho đến nay, rõ ràng vẫn chưa đạt được những mục tiêu đó. Chính phủ kiềm chế tín dụng và đầu tư công nhưng hiện nay cả hai đều tăng.
Dường như Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn thắt chặt tiền tệ thêm nữa?
Đúng vậy. Tuy nhiên, cái giá mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải trả là quá lớn. Theo tôi, không nên thắt chặt tiền tệ với bất kỳ giá nào. Hiện nay, việc chạy đua tăng lãi suất của các ngân hàng đã tái xuất hiện. Doanh nghiệp không có tiền mặt nên phải đi vay. Ngân hàng không đủ tiền cho vay nên nâng lãi suất huy động và đẩy lãi suất cho vay lên cao. Quả bóng rồi sẽ vỡ bởi doanh nghiệp không thể trả nỗi lãi suất này. Vì vậy, Chính phủ cần xem lại việc thắt chặt tín dụng quá mức và đối thoại với doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.
Nguồn NCĐT
Bình luận (0)