Sự kiện giáo dụcTin tức

Không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng đầu tháng 9-2020

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin về giáo dục đào tạo 6 tháng đầu năm 2020, vào hôm nay (30-6), Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1-9-2020.

Học sinh TP.HCM dự khai giảng năm học 2019-2020

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1-9-2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học; qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên, học sinh.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4-2020, Bộ GD-ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019.

Bộ cũng đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Kỳ thi năm nay, giảng viên ĐH sẽ không tham gia coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của sở triển khai kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên ĐH được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.

Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non và các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; xây dựng, hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh…

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)