Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không trò đố thầy dạy ai?!

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện vận động học sinh ra lớp gần như là việc làm thường xuyên của các trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp không vận động học sinh trở lại lớp được đành báo với ban giám hiệu (BGH), BGH thành lập đoàn đến nhà học sinh tiếp tục vận động, vận động không được lại nhờ đoàn thể… Cái vòng luẩn quẩn bỏ học – vận động trở lại trường – bỏ học cứ tiếp diễn.
Theo ghi nhận của các phòng GD-ĐT thì học sinh bỏ học bao gồm các nguyên nhân: nhà nghèo phải làm thuê, giữ em để cha mẹ đi làm thuê kiếm sống, học yếu không theo kịp bạn bè nên chán nản, lười học… Điều đáng nói là nguyên nhân thiếu ý thức học tập ngày càng nhiều. Ông H.- Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Thới Lai, kể nỗi khổ của mình khi vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Ông H. nói: “Một học sinh lớp 4 của trường tôi bỏ học, giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động mấy lần, em này ra rồi lại nghỉ. Lần cuối cô chủ nhiệm vận động không được nên báo cho BGH tìm cách giải quyết. Thế là BGH trường kết hợp cùng đoàn thể của trường đến nhà học sinh này vận động. Lần thứ nhất được gia đình tiếp, lần thứ hai cũng được tiếp, nhưng lần thứ ba, tư, năm… chẳng ai đoái hoài vì ông bà nội cháu đều bận đánh bài tứ sắc. Thấy thầy cô đến hoài nên ông nội của học sinh ấy bực mình nói: “Tôi không cho nó đi học nữa”. BGH cũng đành phải bó tay! Điều đáng buồn là hoàn cảnh gia đình của học sinh này không phải quá khó khăn và em này không phải là học sinh yếu. Mới 10 tuổi đầu, học sinh này sẽ làm gì sau khi nghỉ học? Ông Nguyễn Văn Chắc, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ô Môn tâm tư: “Học sinh thiếu tập, chúng tôi hỗ trợ tập, học sinh thiếu quần áo, chúng tôi hỗ trợ quần áo, thiếu phương tiện đến trường, chúng tôi vận động mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp… Nhưng học sinh và gia đình thiếu ý thức học tập thì chúng tôi đầu hàng”.
Một trong những nỗi ám ảnh của các trường là việc duy trì sĩ số học sinh trong suốt năm học. Vì tỉ lệ học sinh bỏ học là một trong những “thước đo” thi đua của giáo viên, thành tích của các trường. Vì vậy mới có chuyện giáo viên đến tận nhà để rước học sinh đến trường thi. Hiệu trưởng một trường tiêu học đạt chuẩn quốc gia kể: Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 cho biết có hai học sinh bỏ học khi ngày thi hoàn thành chương trình tiểu học gần kề. Vì vậy, BGH quyết định cử hai giáo viên làm nhiệm vụ rước hai học sinh này đến trường thi. Cũng may, hai học sinh này chịu đi thi nên tỉ lệ bỏ học của trường này dưới 1%. Trước đó, trường đã có một số học sinh nghỉ học, nếu một trong hai học sinh này không chịu đi thi, tỉ lệ bỏ học sẽ vượt ngưỡng 1%, nghĩa là trường không thể đạt thành tích là trường tiên tiến xuất sắc cho dù chất lượng đại trà và tất cả các phong trào khác, như: giáo viên giỏi, học sinh giỏi… của trường đều đạt thành tích cao. Thầy Hiệu trưởng trường đạt chuẩn quốc gia trên tâm sự: “Rước học sinh đi thi không phải chỉ vì thành tích mà BGH trường còn nghĩ đến tương lai của các em. Hoàn thành chương trình tiểu học, các em có thể vào học lớp 6 nhưng nếu không thi, các em phải học lại chương trình lớp 5”.
Phải thừa nhận rằng, hiện nay, còn nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa đồng bằng sông Cửu Long có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, ý thức học tập của học sinh rất kém. Các em không có mục đích học tập thật sự trong khi gia đình cũng không định hướng cho các em. Mặt khác, các địa phương đang thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và giáo dục trung học nên phụ huynh cũng có tâm lý ỷ lại. Bởi đi học phổ thông ngoài các khoản được miễn vẫn còn rất nhiều khoản tiền khác phải đóng cho lớp, cho trường, phải mua tập vở, quần áo… Nếu nghỉ học, sẽ có nhiều người đến “năn nỉ” đi học phổ cập, được cho tập, sách và hầu như không đóng bất cứ khoản tiền nào. Nhiều phụ huynh còn nghĩ tiêu cực đến mức: thời buổi này, thầy cần trò chứ trò đâu có cần thầy, nếu không trò thì đố thầy dạy ai!? Sự bất hợp lí này không phải mới phát sinh gần đây nhưng rất khó thay đổi, sửa chữa, khắc phục.
Phong Điền

Bình luận (0)