Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không trường nào được hạ điểm chuẩn!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cán bộ lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM cố giải thích về “sự cố” hạ điểm chuẩn với TS - Ảnh: H.B.“Theo quy chế tuyển sinh, không trường ĐH, CĐ nào được phép hạ điểm chuẩn. Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM phải rút lại thông báo hạ điểm chuẩn, thực hiện xét tuyển bổ sung NV3”. Đó là khẳng định của ông Ngô Kim Khôi – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).

Trao đổi xung quanh sự kiện một số trường “xé rào” hạ điểm chuẩn, làm sai quy chế tuyển sinh, ông Khôi cho biết:

– Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường ĐH, CĐ khi tuyển sinh còn thiếu chỉ tiêu sẽ phải tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung NV2, NV3 theo thời hạn, quy trình do Bộ GD-ĐT đã quy định và công bố rộng rãi.

Như vậy, khi áp dụng phương thức tuyển sinh “ba chung”, các trường ĐH, CĐ sẽ không được hạ điểm chuẩn. Khi xây dựng điểm trúng tuyển cho NV2 phải không thấp hơn NV1, điểm trúng tuyển NV3 không thấp hơn NV2.

Phải rút lại thông báo sai

* Thưa ông, Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM đã trót hạ điểm chuẩn và lỡ thông báo trúng tuyển cho nhiều thí sinh (TS). Ngoài ra, trước đó cũng có một số trường đã bị bộ nhắc nhở công khai về việc “xé rào” tự ý áp dụng mức điểm ưu tiên giữa các khu vực và đối tượng quá rộng dẫn đến TS chỉ cần 5 điểm/ba môn đã trúng tuyển…

– Tôi đã trực tiếp trao đổi với hiệu trưởng nhà trường. Phía trường thừa nhận làm sai quy chế trong việc hạ điểm chuẩn và gửi thông báo trúng tuyển cho TS. Làm sai sẽ phải sửa sai, không thể coi là chuyện đã rồi. Trường sẽ phải xin lỗi TS, phụ huynh và rút lại thông báo trúng tuyển, theo như trường báo cáo là khoảng 30 trường hợp.

Việc hạ điểm chuẩn của Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM gây hậu quả rất nghiêm trọng. Không chỉ làm sai quy chế, việc làm này đã gây ra những phiền phức cho các TS, nhiều trường CĐ khác cũng bức xúc. Ngay sau khi trường có thông báo hạ điểm chuẩn, một số trường đã “kiện” về bộ vì việc làm này của trường ảnh hưởng đến việc xét tuyển chung.

Đối với một vài trường tự ý thông báo áp dụng mức điểm ưu tiên giữa các đối tượng cao hơn 1 điểm và giữa các khu vực cao hơn 0,5 điểm theo quy định chung, bộ đã kịp thời chấn chỉnh, các trường cũng kịp dừng lại. Riêng có Trường ĐH Trà Vinh, chúng tôi nắm được là đã thực hiện việc xét tuyển không đúng quy chế. Ngay đầu tuần tới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có công văn gửi trường để giải quyết việc này.

* Vì sao quy chế tuyển sinh lại không cho phép các trường được hạ điểm chuẩn nếu còn thiếu chỉ tiêu?

– Khi áp dụng phương thức tuyển sinh “ba chung” và quy trình xét tuyển như hiện nay – trong đó mỗi TS được xét tới ba NV, nếu chưa trúng tuyển NV này sẽ được tiếp tục tham gia xét tuyển NV sau. Hạ điểm chuẩn sẽ làm rối loạn việc xét tuyển NV2, NV3. Khi TS đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào trường khác, đang được xét hoặc đã trúng tuyển, trường TS dự thi lại hạ điểm chuẩn (như trường hợp cụ thể của Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM) sẽ làm việc xét tuyển của các trường khác rối loạn.

Khi còn thiếu chỉ tiêu, các trường đều có quyền tiếp tục tuyển bổ sung bằng NV2, NV3.

Trường đặc thù sẽ có cách giải quyết

* Nhưng trên thực tế năm nào cũng có những trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, nếu không được hạ điểm chuẩn thì có cách giải quyết nào khác không?

– Trong bất cứ trường hợp nào, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu, các trường đều không được hạ điểm chuẩn đã công bố. Ngoài việc xét tuyển bổ sung NV2, NV3, đối với những trường đặc thù, đóng ở các địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc là trường địa phương có trách nhiệm đào tạo nhân lực phục vụ tại chỗ… có thể được bộ xem xét cho phép áp dụng mức điểm ưu tiên khu vực, đối tượng rộng hơn so với quy định chung để mở rộng nguồn tuyển.

* Thưa ông, cụ thể là những trường như thế nào được xác định mức điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn chung của bộ?

– Các trường đóng tại các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số… tính toán điều kiện cụ thể của mình, nếu thấy khó khăn trong việc xét tuyển, các trường phải báo cáo tình hình và đề nghị với bộ về việc vận dụng điều 33 (quy chế tuyển sinh), bộ sẽ cân nhắc điều kiện cụ thể thực tế của từng trường để cho phép được vận dụng. Việc áp dụng điều 33 của quy chế vẫn phải theo các nguyên tắc: đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng tuyển chọn đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo sự công bằng đối với TS. 

Theo TTO 

Làm ăn cẩu thả, thí sinh lãnh đủ!

Tại Trường ĐHDL Bình Dương sáng 13-9, cả trăm TS và phụ huynh đã tập trung trước trường phản đối việc nhà trường không nhận những TS mà trường đã thông báo trúng tuyển.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các TS khi nộp NV2 vào Trường ĐHDL Bình Dương đều nhận được một “giấy báo đủ điểm xét tuyển”, trong đó có ghi “yêu cầu TS liên hệ qua điện thoại hoặc đến trường làm thủ tục nhận kết quả xét tuyển trong vòng bảy ngày kể từ ngày phát hành giấy báo”.

Anh Đặng Văn Bon – phụ huynh của TS P.T.T. có điểm thi khối C 14 điểm, thuộc KV2-NT xét tuyển vào ngành ngữ văn – cho biết: “Ngày 10-9, chúng tôi nhận được giấy báo này, gọi vào trường thì trường thông báo là trúng tuyển. Khi vào đến nơi thì mới biết trường không nhận. Cháu tôi bây giờ không còn một cơ hội nào nữa vì đã hết thời gian xét tuyển NV2, còn NV3 thì chẳng có trường nào phù hợp. Nhiều người điểm thấp hơn cháu tôi nhưng đến sớm lại được xét trúng tuyển, như vậy là quá bất công”.

Trong khi đó tại Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ), sau khi Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra và yêu cầu phải giảm điểm chênh lệch khu vực tối đa xuống còn 3 điểm (trước đây mỗi khu vực trường này quy định cách nhau 5 điểm) khiến nhiều TS từ đậu trở thành rớt, do điểm chuẩn tăng lên so với điểm chuẩn công bố ban đầu.

N.P. – M.G. – H.BÌNH

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)