Học sinh Trường THPT Bà Điểm trao đổi thông tin tại chương trình hướng nghiệp
|
Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” lần VII năm 2014 liên tiếp được tổ chức tại các trường: THPT Vĩnh Viễn, THPT Bà Điểm, THPT Tenlơman, THPT Trưng Vương và THPT Củ Chi đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho học sinh trong việc lựa chọn và định hướng ngành nghề.
Kết hợp giữa sở thích và năng lực
Một điều đáng mừng là tại các buổi hướng nghiệp, Ban tư vấn không còn nhận được các câu hỏi: Ngành nào hiện nay đang “hot?”, hay ngành A, B, C hiện nay có được coi là ngành “hot” không?”. Theo các thành viên Ban tư vấn, không có ngành nào “hot” mà chỉ có con người mới… “hot”. Thay vào đó, các em dành nhiều thời gian chia sẻ về cách chọn ngành nghề theo sở thích hay năng lực và làm thế nào để thuyết phục ba mẹ cho con lựa chọn ngành nghề mình yêu thích.
Tại Trường THPT Bà Điểm, em Lê Vinh Trung (học lớp 12A2) không ngần ngại bày tỏ băn khoăn: “Em thích ngành CNTT nhưng ba mẹ lại muốn em theo ngành ngân hàng. Bản thân em cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa sở thích với sở trường và nên chọn ngành thế nào giữa hai điều đó?”. Trường hợp của Trung cũng là tâm lý chung của nhiều học sinh khi phải đứng giữa “ngã ba đường”.
Việc sở thích một đằng, định hướng một nẻo cũng gây ra nhiều tranh cãi trong gia đình có con em đang học lớp 11 và 12 hiện nay. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam) cho rằng: Để chọn được ngành nghề phù hợp, cần phải có sự kết hợp của cả 3 yếu tố: Sở thích (35%), sở trường (35-40%), nhu cầu xã hội (30%). Sở thích và sở trường có thể nói là hai yếu tố trọng tâm thường được học sinh băn khoăn nhiều nhất khi lựa chọn nghề nghiệp. Sở thích chính là hứng thú của con người với nghề nghiệp. Hứng thú khiến cho con người làm việc chăm chỉ, kích thích hoạt động, tìm tòi và sáng tạo trong nghề nghiệp. Còn sở trường chính là khả năng có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt học tập, chuyên môn, nghiệp vụ, tạo ra những tiềm lực khiến con người dễ dàng gặt hái thành công và tỏa sáng hơn trong nghề nghiệp. “Lựa chọn một ngành nghề thiếu hứng thú, thiếu đam mê hay thiếu khả năng theo đuổi thì sẽ rất khó để thích ứng khi làm việc, chưa nói đến chuyện thành công. Do đó, khi chọn nghề không thể tuyệt đối hóa sở thích hay sở trường mà phải có sự cân nhắc dựa trên sự hài hòa và cân bằng giữa hai yếu tố trên. Ngoài ra, chọn nghề cũng cần phải chú ý tới nhu cầu xã hội để dễ dàng tìm việc làm sau này”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Về ý kiến của ba mẹ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng đây cũng là điều học sinh cần suy xét. “Ba mẹ là người lớn, ít nhiều đều có sự hiểu biết ngoài xã hội, biết ngành nào phù hợp với con mình. Còn trong trường hợp giữa hai ý kiến không có điểm chung, các em cũng đừng vội vàng phản bác kịch liệt. Hãy cứ âm thầm chứng minh cho ba mẹ thấy mình phù hợp với ngành đó qua những thể hiện hàng ngày. Bên cạnh đó, các em có thể cung cấp những thông tin cụ thể về tính chất, công việc, nhu cầu tuyển dụng của ngành mà mình đang có ý định theo đuổi để dễ dàng thuyết phục ba mẹ ủng hộ”.
Đừng ngại chia sẻ kiến thức
Để chọn được ngành nghề phù hợp, cần phải có sự kết hợp của cả 3 yếu tố: Sở thích (35%), sở trường (35-40%), nhu cầu xã hội (30%).
|
Trong chương trình hướng nghiệp, các em học sinh cũng quan tâm tới cách học tập sao cho tập trung, hiệu quả. Em Nguyễn Hồng Phương (á khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2014) cho biết: Mỗi người đều có một cách học phù hợp với bản thân mình. Chuyện học về đêm hay học lúc sáng sớm còn tùy thuộc vào đồng hồ sinh học của mỗi người, vì vậy các bạn không nên ép mình theo cách học của người khác mà bản thân thấy không phù hợp. Khi học, các bạn cũng không nên quá đề cao trí nhớ của mình, những điều quan trọng phải được ghi chép cẩn thận vừa giúp mình học được nhiều lần, vừa tránh tình trạng “quá tải” cho não, dễ bị quên. “Nhiều bạn thường ngại học nhóm vì sợ mất thời gian và cho rằng khi học nhóm sẽ phải chia sẻ bí quyết, kiến thức cho người khác. Đây là suy nghĩ rất sai lầm bởi khi bạn chia sẻ kiến thức chính là lúc bạn được học thêm 1 lần, ghi nhớ thêm 1 lần và cũng rút được kinh nghiệm khi gặp phải những tình huống hóc búa trong bài tập. Hơn nữa, khi học nhóm, tâm lý sợ mình “quê” vì thua kém bạn bè chính là động lực giúp bạn học tốt hơn, tích lũy nhiều kiến thức hay hơn để ứng phó trong mọi tình huống”, Phương khẳng định.
Bên cạnh đó, Phương cũng khuyên các học sinh khi giải bài không nên quá tin vào cách giải, bài giải trên internet vì đó là những thông tin chưa được kiểm chứng nên độ chính xác chưa cao. “Cách tốt nhất là các bạn nên tự giải rồi nhờ thầy cô nhận xét, sửa sai. Đó cũng là cách học giúp ghi nhớ lâu và nhanh tiến bộ”, Phương chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Chia tay người thầy tận tụy với học sinh
Tại buổi hướng nghiệp tổ chức ở Trường THPT Củ Chi (sáng 3-11), Ban tổ chức chương trình tư vấn “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” cũng đã dự buổi lễ chia tay thật cảm động và ấm áp giữa thầy Trần Quang Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi) với giáo viên và học sinh toàn trường. Suốt 38 năm công tác trong ngành GD-ĐT, thầy Trần Quang Hùng đã dìu dắt, truyền lửa cho hàng chục ngàn học sinh vùng đất thép, vận động nhiều nguồn lực giúp cho hàng trăm học sinh nghèo được cắp sách đến trường…
|
Bình luận (0)