Với tư cách là một người làm GD, chúng ta không thể nào chấp nhận và cho phép những việc làm phản GD như thế tồn tại. Điều này cũng hoàn toàn đi ngược với chuẩn mực nghề nghiệp.
Cũng cần nhìn nhận rằng, đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta không thể vơ đũa mà phải đi vào những nguyên nhân sâu xa của nó để hiểu ngọn ngành vấn đề. Có rất nhiều những nguyên nhân, vấn đề quản lý từ địa phương đến các cấp GD, do người GV chưa được đào tạo bài bản, môi trường làm việc quá áp lực và căng thẳng không kiểm soát cảm xúc, không nhận thức được hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến con trẻ như thế nào.
Theo tôi, GVMN là một nghề đặc thù, đòi hỏi sự dịu dàng, nhẹ nhàng, nắm bắt được tâm lý trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ hoạt động nhiều lúc là bản năng, theo cảm xúc là chính. Nhiệm vụ của người GV không phải là dạy dỗ trẻ phải biết nghe lời mà chỉ chơi cùng trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu thương, dạy trẻ nhận thức. Do đặc thù nên GVMN không chỉ làm việc 8 tiếng/ngày, có khi là 10 tiếng, 12 tiếng trong môi trường chỉ toàn trẻ con, tưởng tượng sẽ áp lực như thế nào. Chính vì thế, đòi hỏi người GV phải thực sự rất yêu trẻ, có sự dịu dàng, nhẹ nhàng và hết sức hiểu tâm lý của trẻ thì mới có thể theo được nghề thật tốt.
Vấn đề đặt ra là khi trẻ bị GV bạo hành sẽ để lại những di chứng rất nguy hiểm. Trẻ nhỏ thì sẽ chậm lớn, chậm biết nói, hay hoảng loạn, gào thét, tính cách sẽ trở nên hung hăng hoặc nhút nhát. Trẻ sẽ thiếu tin tưởng vào người lớn. Lớn lên có thể bị sang chấn tâm lý, tùy từng mức độ khác nhau.
Để biết GV trong lớp trẻ có thực sự nhẹ nhàng với trẻ hay không chỉ cần quan sát trẻ là sẽ biết. Nếu khi bước vào một lớp học, các bé nhào ra, nhao nhao lên chào người lạ thì chứng tỏ người GV trong lớp hết sức nhẹ nhàng, tinh tế với trẻ. Nhưng nếu ngược lại, trẻ nem nép sợ hãi, im phăng phắc chỉ đến khi được nhắc chào mới chào thì cần phải xem xét.
GVMN tạo uy lực đối với trẻ nhưng chỉ được phép trong một chừng mực, uy trong sự nhẹ nhàng, yêu thương chứ không phải uy khiến trẻ khiếp sợ, trẻ buộc phải nghe lời răm rắp. Ứng xử với trẻ cần phải thật tinh tế vì chính từ những ứng xử này sẽ khiến trẻ hình thành nên thói quen.
Ở góc độ quản lý, tôi cho rằng khi các trường MN quá tải do nhu cầu của xã hội cao thì các trường MN tư thục mọc lên nhưng thời gian qua, việc quản lý hoạt động này đang bị lơ là. Ở các trường công thì chủ yếu chỉ nhận trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên. Trẻ dưới 36 tháng tuổi thì quay về với mô hình trông trẻ nhỏ lẻ. Cứ mọc lên nhưng chất lượng về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ GV lại thiếu chuyên môn, thiếu nhận thức nghề nghiệp thì việc xảy ra những sự việc đáng tiếc thực sự chỉ là vấn đề thời gian.
Những nhà quản lý trước hết đó là phải siết chặt ngay từ khâu đào tạo GVMN. Cần phải xây dựng lộ trình đánh giá, xếp hạng các cơ sở đào tạo GVMN để không còn tình trạng đào tạo ồ ạt, dàn trải, số lượng. Đồng thời cũng cần phải lượng hóa thời gian làm việc dành cho GVMN để hạn chế thấp nhất những áp lực. Và trên hết, nếu người GV nào cảm thấy bản thân không thích hợp làm nghề nuôi dạy trẻ, không quá yêu thương trẻ thì xin ra khỏi nghề, đừng miễn cưỡng mà hành hạ trẻ.
TS. Trịnh Thị Xim
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)