Công nhân không đội mũ bảo hiểm, đậu xe không đúng quy định là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Ảnh: T.TRI |
Các tuyến đường giao thông nội bộ ở Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 rất rộng, có dải phân cách phân làn đường rõ rệt. Thế nhưng, ở đây vẫn thường xuyên diễn ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân hầu hết bắt nguồn từ ý thức của người đi đường.
Vì sao đường rộng mà vẫn có tai nạn?
Mặc dù, có cơ sở vật chất tốt, nhưng vẫn chưa đem đến cái đẹp toàn diện cho hệ thống giao thông ở các con đường nội bộ trong Khu chế xuất Tân Thuận – khi mà tai nạn đáng tiếc vẫn còn xảy ra. Tính từ đầu năm 2009 đến nay, nội bộ Khu chế xuất Tân Thuận đã xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, trong đó 1 trường hợp tử vong. Sáng ngày 19-10-2009, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã tới thực tế tại đây nhận thấy: phần đông anh chị em công nhân trong quá trình lưu thông không hề ý thức rằng, chấp hành Luật Giao thông trong khu chế xuất là điều cần thiết vì điều đó thể hiện rằng họ đang tự yêu quí, tự bảo vệ tính mạng của mình. Chỉ trong vòng 30 phút đứng tại Trạm kiểm soát bảo vệ và hải quan, chúng tôi đã ghi nhận được gần 80 trường hợp xe máy chở ba, xe máy đẩy xe đạp, lấn tuyến. Phổ biến nhất là trường hợp anh chị em công nhân khi đi làm, sau khi qua khỏi cổng khu chế xuất là bắt đầu chạy xe 1 tay, tay kia gỡ bỏ mũ bảo hiểm; khi ra về thì ra khỏi cổng mới bắt đầu đội mũ bảo hiểm lên. Nghiêm trọng nhất chính là trường hợp chạy lấn tuyến, chạy ngược chiều. Theo thống kê của Trạm bảo vệ và hải quan Khu chế xuất Tân Thuận, lượt xe tải ra vào khu chế xuất trung bình trong mỗi tháng là 9.000 đến 10.000 lượt, vậy mà anh chị em công nhân lại vô tư chạy lấn sang phần đường dành cho xe tải. Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao lại sai phạm như vậy, chị Trần Thị Tuyết Nhung (quê Đại Lộc tỉnh Quảng Nam) trả lời rằng: “Em nghĩ đây là đường nội bộ, đâu phải đường lưu thông ở ngoài kia mà cần phải nghiêm chỉnh, công nhân ở đây người nào mà không vậy, trong này ít khi có CSGT mà lo sợ gì chứ”. Anh Lê Độc Lập (quê huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) thản nhiên cho rằng: “Phòng trọ tụi em gần đây, chở 3 cho đỡ hao xăng, công nhân mà anh, ra tới đường lộ là tụi em tới phòng trọ rồi, công nhân ở đây toàn chở ba, chở bốn không anh ơi, ai cũng vậy mà, đường này ít khi có CSGT vào lắm, nói luôn cho anh biết, nhiều chị em còn chưa có bằng lái nữa đó”. Khi được hỏi, hầu hết anh chị em công nhân đều có suy nghĩ tương tự như chị Tuyết và anh Hà nên tình trạng vi phạm an toàn giao thông ở đây diễn ra thường xuyên. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của họ còn rất kém, khi không có CSGT áp dụng biện pháp chế tài thì không ai sợ và quan tâm đến an toàn tính mạng của mình cả. Được biết, anh chị em công nhân đa số là người dân ở tỉnh, nhiều người còn chưa có bằng lái nhưng vẫn chạy xe máy đi làm.
Tuyên truyền cần kết hợp xử phạt nghiêm
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA) đã đề nghị tổng giám đốc hay giám đốc các công ty phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCX, KCN có trách nhiệm giáo dục, thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông trong công ty. Tuy nhiên, trước tình hình này, nên chăng HEPZA cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện những qui định về an toàn giao thông của các doanh nghiệp để văn hóa giao thông trở thành nếp sống đẹp, ăn sâu vào ý thức của anh chị em. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng cần kiên quyết hơn đối với những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông ở đây.
Anh Kiệt – Lê Hữu
Bình luận (0)