Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khu đô thị Thủ Thiêm – dấu ấn 40 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Hầm Thủ Thiêm nối Q.1 với bán đảo Thu Thiêm Q.2
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, bán đảo Thủ Thiêm (Q.2) cách trung tâm TP chỉ 300m đường sông, từ một vùng đất bưng trũng, nhiễm phèn nay đã trở thành khu đô thị lớn…
Thủ Thiêm được xác định là khu vực có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển chung của TP.HCM trong tương lai. 
Vùng sâu, vùng xa
Trước khi thành lập Q.2 (trước năm 1997), Thủ Thiêm thuộc huyện Thủ Đức, là vùng đất trũng, nhiễm phèn, hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục phát triển chậm… Phường An Lợi Đông, Thạnh Mỹ Lợi chỉ cách trung tâm TP vài kilômét đường chim bay nhưng được xếp vào diện vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân khó khăn nhiều mặt với xóm nhà xập xệ nằm dọc theo bến đò An Lợi Đông (phường An Lợi Đông). Cách đó không xa là những xóm Chùa, xóm Than, xóm Đình, cầu Cá Trê, cầu Ông Cậy…, những tên gọi có từ trước năm 1975.
Chuyển đến nơi ở mới theo chương trình tái định cư nhưng bà Ngô Thanh Thủy (ngụ chung cư Thạnh Mỹ Lợi) vẫn không nguôi nhớ những ngày bà cùng chồng men theo các con rạch Lá, rạch Cá Trê Lớn, rạch Cá Trê Nhỏ để mò cua, bắt ốc cải thiện bữa ăn. Những lần đi mò cua bắt ốc, vợ chồng bà Thủy tranh thủ chặt lá dừa nước về phơi để dành lợp nhà, che vách vào mùa mưa gió. “Đó là những năm tháng khổ cực, mang tiếng là dân TP nhưng mọi thứ gần như tách biệt, đi lại hết sức khó khăn, đời sống tinh thần thiếu thốn…”, bà Thủy nhớ lại.

Nhiều công trình nhà cao tầng không ngừng mọc lên tại Thủ Thiêm
Những địa danh mộc mạc, rất thiên nhiên sẽ mãi hằn sâu trong ký ức của hàng chục ngàn người khi vùng đất này chuyển mình thành khu đô thị mới xứng tầm khu vực Đông Nam Á. Mới ngày nào, đi qua bến đò An Lợi Đông hay bến phà Thủ Thiêm vào những ngày nước triều dâng, lục bình và rác thải các loại bít đường đi. Khi nước triều xuống, bà con mỗi người một tay thu gom dọn đường. “Nghèo khó mà tình nghĩa chứa chan, tính cộng đồng làng xã như thắt chặt mọi người với nhau, dẫu rằng mỗi người một nghề chài lưới, mua bán trên sông lại đến từ các vùng miền khác nhau. Bây giờ có chỗ ở mới khang trang nhưng nhà ai nấy ở, cửa đóng kín bưng cả ngày đêm, nghĩ cũng buồn”, bà Thủy trải lòng.
Ông Nguyễn Văn Biền, hơn 20 năm sống ở ấp Cây Bàng (phường Thủ Thiêm) – hiện sống trong căn hộ tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, cho biết: “Trước đây Thủ Thiêm là vùng đất hoang hóa, cỏ năng, cỏ bàng mọc ngút ngàn. Cư dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, mua bán lặt vặt ở bến phà, lo cái ăn hàng ngày đã vất vả, chẳng mong có dư gì. Một thời, vùng đất này còn là chốn lưu thân của giới giang hồ tứ chiến. Với Thủ Thiêm, phát triển nhanh, bền vững từ chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí… đến một đô thị đáng sống thì quả là một kỳ tích”.
Khu đô thị sinh thái hiện đại

Đường mới Thủ Thiêm được xây dựng hiện đại với nhiều làn xe
Giống như các địa phương khác trên địa bàn TP.HCM, sau giải phóng, Thủ Thiêm chịu ảnh hưởng nặng nề của tàn dư chiến tranh. Trong suốt 40 năm xây dựng TP theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ Thiêm đã được chính quyền quyết tâm xây dựng, kết nối hạ tầng nối liền với trung tâm TP. Gần 20 năm trước, lãnh đạo TP.HCM đã phác họa Thủ Thiêm là trung tâm đô thị mới, trung tâm tài chính – thương mại và kinh tế của vùng và khu vực Đông Nam Á. Là khu đô thị sinh thái, nơi định cư cho trên 130.000 người…
Trở lại Thủ Thiêm hôm nay, đi trên những con đường rộng thênh thang với nhiều làn xe, hai bên đường rợp bóng cây xanh, những công trình hối hả xây dựng…, mấy ai tin vào mắt mình, vùng đất nghèo ngày nào đã đổi thay đến vậy. Theo đó, các công trình đã được xây dựng đánh dấu sự phát triển hạ tầng như: Đường hầm vượt sông Sài Gòn; xây dựng cầu Thủ Thiêm 1 và 2…
Thủ Thiêm trong tương lai là khu đô thị sinh thái hiện đại tiêu biểu, nơi định cư cho khoảng 130.000 người, cũng là một công trình mang dấu ấn lớn trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển chung của TP. Chúng ta có quyền tự hào rằng, hình hài Thủ Thiêm hôm nay là hình hài của TP.HCM vào cuối thế kỷ 21. Trong đó, đại lộ Đông Tây nói chung và hạng mục hầm Thủ Thiêm là một trong những công trình thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của chính quyền và nhân dân TP.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
 
Các cột mốc đánh dấu sự phát triển khu đô thị Thủ Thiêm
– Ngày 4-6-1996, Chính phủ đã ban hành quyết định số 367/QĐ-TTG và văn bản số 190/CP-NN ngày 22-2-2002 do Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký, đồng ý chủ trương thu hồi 930ha đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (bao gồm 770ha để xây dựng Khu đô thị mới và 160ha xây dựng khu tái định cư).
– Ngày 1-11-2001, Chủ tịch UBND TP đã ban hành quyết định số 103/2001/QĐ-UB thành lập Ban quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và đầu tư theo quy định của Nhà nước.
– Ngày 10-5-2002, Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định số 1997/QĐ-UB về thu hồi 621,4328ha đất của 5 phường Thủ Thiêm, An Khánh, An Lợi Đông và một phần Bình Khánh, Bình An giao cho Ban quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm triển khai dự án.
–  Ngày 4-9-2002, UBND TP ban hành quyết định số 3617/QĐ-UB về thu hồi 90,2607ha đất thuộc phường An Phú và quyết định số 497/QĐ-UB ngày 29-1-2003 thu hồi 6,3696ha đất thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi giao Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và thu hồi đất của các dự án trên địa bàn Q.2 để phục vụ tái định cư.
– Ngày 7-5-2003, UBND TP ban hành quyết định số 1707/QĐ-UB về việc thu hồi 15,968ha đất phường Bình Khánh và Bình An và ban hành quyết định số 2955/QĐ-UB ngày 24-6-2004 thu hồi 1,1715ha đất xây dựng khu tái định cư An Phú; quyết định số 1819/QĐ-UB ngày 14-5-2002 thu hồi 1,2109ha đất khu An Phú – An Khánh và thu hồi 50ha đất cụm III, Cát Lái, dự án Khu công nghiệp Cát Lái cũ tại công văn 6271/UB-ĐT ngày 20-10-2004 để phục vụ tái định cư.
– Ngày 29-6-2002, HĐND TP ban hành nghị quyết số 21/2002/NQ-HĐ về đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm mới hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là trung tâm thương mại – tài chính – dịch vụ của TP.HCM, phát triển hài hòa với trung tâm hiện hữu của TP. Nghị quyết 21/2002/NQ-H Đ cũng xác định là một trong những công trình trọng điểm của TP, trong những năm đầu của thế kỷ 21.
– Ngày 12-6-2006, Thành ủy TP.HCM ban hành chương trình hành động số 07-CTr/TU xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp của TP và khu vực.
– Ngày 21-7-2006, UBND TP ban hành quyết định số 113/2006/QĐ-UBND thực hiện kế hoạch chương trình hành động công trình xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm giai đoạn 2006-2010.
T.An (tổng hợp)
 
 

Bình luận (0)