Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khu kinh tế Nam Phú Yên: Hành lang kinh tế đông – tây mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 22/2010/QĐ-TTg ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên.

Đây là một trong 15 KKT ven biển nước ta, nằm trải dài từ phía nam sông Đà Rằng đến cảng Vũng Rô, là “cú hích” để đánh thức những tiềm năng, góp phần tạo nên một vùng động lực phát triển ở duyên hải Nam Trung Bộ và hình thành một hành lang kinh tế đông – tây mới.
Cảng cửa khẩu Vũng Rô ở Khu kinh tế Nam Phú Yên. Ảnh: Lưu Phong
Đột phá vùng kinh tế động lực
Tại kỳ họp HĐND lần thứ 19 (khóa V) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – ông Nguyễn Đình Cự – khẳng định: “Bước đột phá của tỉnh trong 5 năm tới là xây dựng phát triển vùng kinh tế động lực Nam Phú Yên. KKT này sẽ hình thành một đô thị gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và xây dựng hàng loạt các dự án lớn như lọc hóa dầu, đường hầm đèo Cả, cảng hàng không Tuy Hòa, Khu công nghiệp Hòa Tâm…”.
KKT Nam Phú Yên với quy mô 20.730ha, được xây dựng các phân khu chức năng gồm khu phi thuế quan (320ha) và khu thuế quan (11.228ha). Thực tế, KKT Nam Phú Yên đã được khởi động với việc xây dựng trục giao thông “xương sống” chạy dọc dài ven biển từ cầu Đà Rằng mới đến cảng Vũng Rô. Từ đây, thành phố phía bờ nam Đà Rằng sẽ được hình thành với những khu đô thị mới; các khu cảng biển; các khu công nghiệp; các khu du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái, vùng rừng phòng hộ và cây xanh…
Trưởng ban Quản lý KKT Phú Yên – ông Trương Phước Cường – cho biết, trọng tâm của KKT Nam Phú Yên là phát triển ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng Vũng Rô, sân bay Tuy Hòa.
Đồng thời, xây dựng trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thể nói, vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, khi KKT Nam Phú Yên và KKT Vân Phong (Khánh Hòa) ở nằm cận kề nhau cùng bước vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ – du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm của Trung Bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm  du lịch quan trọng của Việt Nam.
“Cửa ngõ” Tây Nguyên
Nối hai KKT Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa), dự án hầm đường bộ đèo Cả đang được khởi động các bước đầu tư, với chiều dài 5,7km gồm hai đường hầm song song, một từ phía bắc vào và một từ phía nam ra, mỗi hầm có 4 làn xe. Cùng với hầm đường đèo Cả, Phú Yên sẽ hình thành thêm một tuyến quốc lộ mới nối từ KCN công nghệ cao lên Tây Nguyên. Tuyến quốc lộ mới, dự định đặt tên là quốc lộ 29, dài trên 280km, điểm đầu tiếp giáp với cảng biển Vũng Rô (Phú Yên), điểm cuối giáp với cửa khẩu Đak Ruê (Đắc Lắc).
Theo Trưởng ban Quản lý KKT Phú Yên – ông Trương Phước Cường – quốc lộ 29 là con đường duy nhất lên Tây Nguyên có địa hình thuận lợi vì ít đèo dốc, độ dốc dọc tuyến nhỏ và khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển giữa Phú Yên với Đắc Lắc khoảng 60km. Đây sẽ là trục ngang xương sống nối liền 5 tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và liên thông sang Lào, Campuchia, là “cửa ngõ” lưu thông các loại hàng hóa, góp phần hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong trục tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Hiện một nhà đầu tư đã tiếp cận thông tin và lập hồ sơ đăng ký đầu tư trục lộ giao thông này.
Không chỉ dừng lại ở đó, dự án về tuyến đường sắt từ KKT Nam Phú Yên – Buôn Ma Thuột đã được Xí nghiệp tư vấn thiết kế công trình giao thông đường sắt (thuộc Cty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam) đã được thiết kế hoàn chỉnh. Toàn tuyến đường sắt có chiều dài 160km, đi qua 8 ga, xuất phát từ ga Phú Hiệp và điểm cuối là ga Buôn Ma Thuột. Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đã xác định cần phải sớm xây dựng tuyến đường sắt này trong giai đoạn năm 2016 – 2020.
Các KKT gắn với giao thông QL29, tuyến đường sắt lên Tây Nguyên… sẽ tạo nên hành lang kinh tế đông – tây mới của nước ta, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế và quốc phòng của cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn, mở ra cơ hội lớn cho vùng đông bắc Campuchia, nam Lào và một phần Thái Lan gần hơn với biển.
Lưu Phong / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)