Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khu Nam Sài Gòn: Trường khổ sở vì mùi hôi

Tạp Chí Giáo Dục

Từ nhiều năm nay, cứ vào thời gian này, rất đông người dân ở khu Nam Sài Gòn đang phải sống chung với mùi hôi từ phân của gần vài triệu dân thành phố tập kết tại Khu Liên hợp xử lý chất thải (KLHXLCT) Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Mùi hôi đó không chỉ xộc vào phòng khách mà cả phòng ăn, phòng ngủ của người dân và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của họ…

Xe rác vào bãi rác Đa Phước

Cơ quan chức năng nói: “Mùi hôi giảm…”

Trước tình trạng cứ đến hẹn là mùi hôi lại “tấn công” người dân, cuối tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Q.7 đã gửi đơn kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp giải quyết. Theo đó, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan “vào cuộc”.

Sau khi “vào cuộc”, các cơ quan chức năng khẳng định mùi hôi từ KLHXLCT Đa Phước đã giảm đáng kể. Thậm chí, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường còn nói “chắc như bắp” là cuộc sống sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường.

Nhưng, ông Nguyễn Văn Mùi (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) – một trong số hàng triệu nạn nhân của KLHXLCT Đa Phước – giọng chua chát: “Không lẽ giờ phải đóng cửa đi thuê chỗ khác mà ở”.

“Những ngày qua, cuộc sống của người dân gần như bị đảo lộn khi mùi hôi “tấn công”. Nhà lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, không dám hé cửa sổ, mâm cơm cũng phải đặt theo hướng gió. Trước mắt, chúng tôi mong muốn mỗi ngày được hít thở không khí trong lành, không phải nghe cái mùi ám ảnh kia”, bà Nguyễn Thị Mai (ấp 2, xã Đa Phước) kiến nghị.

“Cơ quan chức năng trả lời theo kiểu trấn an dư luận là mùi hôi giảm đáng kể nhưng là người trong cuộc chúng tôi càng thêm bức xúc”, một người dân ngụ xã Phong Phú trả lời như vậy khi phóng viên hỏi mùi hôi có giảm so với 10 ngày trước hay không.

Thầy và trò Trường THCS Đa Phước cũng khổ sở vì mùi hôi

Trước tình trạng mùi hôi kéo dài “khủng bố” người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP.HCM xác định, làm rõ nguyên nhân gây ra mùi hôi tại các địa phương nói trên trong thời gian qua, từ đó có phương án giải quyết.

Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP, cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra gồm 16 người (Phòng Quản lý chất thải rắn và Ban Quản lý các KLHXLCT, quận, huyện và các đơn vị có liên quan) kiểm tra tại vị trí được cho là có khả năng phát sinh mùi hôi.

Ông Thắng khẳng định, sẽ sớm phối hợp với các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Người dân khẳng định: “Phơi cái quần cũng bị ám mùi…”

Ông Vương Gia Hiệp

Khi được hỏi về tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở khu vực xung quanh KLHXLCT Đa Phước, một người dân ngụ xã Phong Phú, Bình Chánh bức xúc: “Phơi cái quần, cái áo cũng bị ám mùi. Ngày thì hôi từng đợt, cũng có ngày hôi từ sáng đến chiều tối, giờ giấc ăn uống sinh hoạt phải thay đổi. Mưa hôi theo mưa, nắng hôi theo nắng, sáng trưa chiều gì cũng vậy…”.

Người dân sống khu vực lân cận KLHXLCT Đa Phước không chỉ hứng chịu mùi hôi từ bãi rác này mà còn chịu ảnh hưởng mùi hôi từ khâu vận chuyển. Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 4, xã Đa Phước, Bình Chánh) than thở: “Tôi bán nước mía mỗi ngày ở đây, mùi hôi từ xe rác ra vào đã khiếp chứ đừng nói chi đến mùi hôi từ trong bãi. Mỗi lần xe ôm cua chạy vào trong bãi rác là nước thải từ xe rác chảy xuống bốc mùi hôi kinh khủng”. Chị Liên nói thêm, trước đây hàng nước mía của chị rất đông khách ngồi hóng mát nhưng gần đây chẳng ai dám ghé vì nước thải từ xe rác chảy sang đọng lại phía trước. “Nắng lên hôi gắt khó chịu lắm”, chị Liên nói trong bất lực.

Trưa 9-9, có mặt tại ngã ba dẫn vào KLHXLCT Đa Phước, ghi nhận của phóng viên có khoảng 30 xe rác, bùn thải và nước hầm cầu vào bãi chỉ trong vòng nửa giờ. Không chỉ xe từ hướng TP.HCM xuống mà còn có xe rác chạy từ hướng Cần Giuộc (Long An) lên.

Chị Nguyễn Thị Liên

11 giờ trưa 9-9, tại cổng trường THCS Đa Phước (quốc lộ 50) mùi hôi vẫn phảng phất. Nhiều phụ huynh đợi đón con phải đeo khẩu trang không vì sợ ngại nắng mà sợ mùi hôi đến nhức đầu. Ông Vương Gia Hiệp (ấp 1, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) lắc đầu ngao ngán vì mùi hôi bủa vây. Ông cho biết: “Đã rất nhiều lần bà con phản ánh với chính quyền. Địa phương cũng tiếp nhận, nói chúng tôi ghi lại biển số xe gây ô nhiễm… nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy…”.

Nhiều học sinh của Trường THCS Đa Phước nói riêng và các trường học trên địa bàn khu vực lân cận KLHXLCT Đa Phước cũng thừa nhận, chỉ khi nào vô lớp thì mùi hôi đỡ hơn.

Thầy Lê Phước Hậu, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cho biết: “Vào buổi sáng và chiều thầy, trò cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ KLHXLCT Đa Phước. Nhà trường đã phản ánh với địa phương có kiến nghị lên huyện để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”.

Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường MN Nam Sài Gòn (Q.7), xác nhận trường cũng bị ảnh hưởng nặng từ bãi rác này.

Trần Anh

 

Bình luận (0)