Dù cái chết của bà Nguyễn Thị Lan, giáo viên tiểu học Hồng Hà đã xảy ra cách đây môt tháng nhưng người dân trong xã Hồng Hà vẫn xôn xao bàn tán về những câu chuyện xung quanh về bà.
Theo lời chỉ đường của người dân, chúng tôi tìm được nhà bà Lan nằm trong một ngõ nhỏ gần trụ sở chính của tiểu học Hồng Hà. Căn nhà chìm trong sự ảm đạm với khói hương, tiếng gõ mõ, tụng kinh và sự buồn bã của chồng, con trai người đã mất.
Nhìn thấy chúng tôi bước vào sân nhà, ông Nguyễn Đình Bảo (chồng bà Lan) mời chúng tôi vào nhà rồi tránh mặt. Tiếp chúng tôi tại căn nhà đặt bàn thờ bà Lan, anh Nguyễn Đình Hưng, con trai bà Lan cho biết, từ ngày mẹ anh mất, bố anh thường xuyên bỏ ăn, mất ngủ, mỗi lần thắp hương cho bà mắt ông lại đỏ hoe vì khóc thương và nhớ bà. “Sự ra đi đột ngột và uẩn khúc của mẹ tôi là nỗi đau, là sự ám ảnh của cả gia đình tôi, nhất là bố tôi. Hàng đêm ông không ngủ được, lại trải chiếu cạnh bàn thờ bà, ngồi thẫn thờ rồi khóc”, anh Hưng buồn bã kể.
Cái chết có sự chuẩn bị?
Anh Hưng cho biết, bà Lan bỏ nhà đi từ trưa 1/9, đến tối gia đình không thấy về nên bắt đầu đi khắp nơi tìm nhưng không thấy. Đến chiều hôm sau (2/9), gia đình tìm thấy xác bà ở chiếc ao cách nhà gần trăm mét.
Buổi trưa ngày bà Lan bỏ đi không có biểu hiện gì bất thường, bà vẫn ăn cơm nói chuyện cùng gia đình và cũng không dặn dò gì con cái. Tuy nhiên, ngày hôm trước (ngày 30/8 – PV), bà Lan có đi chơi khắp các anh chị em trong nhà.
Ngoài ra, khi tìm đươc chiếc áo để trong nón để trên bờ ao, nơi tìm thấy xác bà Lan, gia đình tìm thấy một bức di thư ghi ở mặt trái tờ lịch cũ với tiêu đề “Những điều muốn nói”. Nội dung di thư có đoạn viết: “Hè năm 2010 và ngày 30/9/2010 HTT (hiệu trưởng – PV) tiểu học Hồng Hà là Nguyễn Thị Nụ đã dùng chức quyền để làm và nói những điều ác bôi nhọ danh dự của GV (như tôi) trước hội nghị CBGV ngày 30/9/2010) ai cũng nghe rõ, tôi cũng trả lời phản đối ngay nhưng cũng không trả lời được hết …nên những điều ác đó cứ ám trong đầu tôi, tinh thần tôi bị huỷ diệt dần trong sự sống…”.
Ngoài bức di thư này, anh Hưng cho biết, gia đình còn tìm thấy nhiều trang nhật ký và mộ số lá đơn kiến nghị bà Lan viết trong thời gian năm 2010 và trước đó. Trong đó, bà Lan đều nhắc tới người liên quan là bà hiệu trưởng nơi bà công tác và một số sự việc liên quan đến hai người.
Mâu thuẫn bắt đầu từ câu nói đùa
Anh Hưng cho biết, gia đình anh từ trước đến nay rất êm ấm, không xảy ra mâu thuẫn gì khiến mẹ anh phải phiền lòng. Nhưng những lời viết trong di thư và những dòng nhật ký sau khi bà mất khiến gia đình không khỏi băn khoăn về nguyên dân dẫn đến cái chết của bà. “Mẹ tôi là người sống nội tâm, nhẫn nhịn. Thi thoảng bà cũng kể chuyện nhà trường cùng thái độ, cách đối xử của hiệu trưởng đối với bà nhưng tôi không nghĩ mẹ tôi lại khổ đến mức đó …đã phải tự tìm đến cái chết. Tôi mong cơ quan chức năng sớm tìm ra sự thật để mẹ tôi được thanh thản dưới suối vàng”, anh Hưng nghẹn lời.
|
Anh Nguyễn Đình Hưng, con trai bà Lan |
Cũng theo anh Hưng, mâu thuẫn giữa bà Lan và hiệu trưởng nhà trường bắt đầu từ năm 2005. Khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng, con gái bà Lan và cũng là giáo viên dạy nhạc trong trường có nói một câu nói đùa trước giờ họp khi chưa thấy hiệu trưởng và tổng phụ trách có mặt là: “Đồng chí hiệu trưởng thì cứ ghi vào, đồng chí tổng phụ trách ở tổ tôi nghỉ thì cũng ghi vào. Câu nói này sau đó đã đến tai hiệu trưởng và khiến bà nổi giận.
“Bà gọi chị tôi đến đập bàn đập ghế mắng sa sả, sau đó còn nói trước hội đồng giáo viên toàn trường ngay cả khi chị ấy đã thanh minh rằng chỉ là câu nói đùa và xin lỗi”, anh Hưng kể những lơi anh nghe lại từ mẹ, chị gái và những dòng nhật ký.
Sau sự viêc đó, anh Hưng cho biết bà Lan liên tiếp gặp những rắc rối, bức xúc do hiệu trưởng gây khó dễ với bà. Trong đó, cú sốc lớn nhất với bà là vào đầu năm học 2010 – 2011, khi ban giám hiệu nhà trường liên tiếp hai lần thiên chuyển lớp dậy với lý do nhận được đơn kiến nghị của phụ huynh.
Đơn kiến nghị của phụ huynh, ai viết?
Theo anh Hưng, một trong những đầu mối dẫn đến những sự ức chế của mẹ anh sau này chính là lá đơn mà hiệu trưởng nhà trường nói là của ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, lá đơn này theo anh có nhiều khuất tất.
|
Lá đơn của phụ huynh lớp 1 E gửi Ban giám hiệu nhà trường đề nghị đổi giáo viên thay thế bà Lan. |
Anh Hưng kể lại việc bà Lan, mẹ anh bị chuyển công tác qua những lời mẹ anh kể lại trước đó và những dòng nhật ký của bà: “Trường tiểu học Hồng Hà có 3 điểm trường và trước đó mẹ tôi thường dạy ở Bồng Lai. Buổi tiếp nhận học sinh đầu năm học 2010 – 2011 mẹ tôi không đến được vì ốm nên đã nhờ một giáo viên khác nhận thay. Sau đó, hiệu trưởng thông báo chuyển bà về dạy lớp ở Tiên Tân và mẹ tôi đã đến gặp ban giám hiệu hỏi lý do và được hiệu trưởng trả lời rằng có đơn của phụ huynh đề nghị thay giáo viên vì cô Lan tuổi cao, mắt kém. Sau đó, hiệu trưởng nhà trường còn đọc đơn kiến nghị nói là của phụ huynh trước đó trước hội đồng giáo viên của trường khiến mẹ tôi cảm thấy bị xúc phạm, xấu hổ trước mọi người. Sau đó, khi me tôi chấp nhận dạy lớp mới theo sự phân công của nhà trường thì hiệu trưởng lại chuyển ép mẹ tôi một lần nữa”.
Theo anh Hưng, điều anh cảm thấy vô lý và bất thường của lá đơn mang danh nghĩa phụ huynh học sinh kia là các chữ ký trong lá đơn đều không rõ ràng. Ngoài ra, khi gia đình đến gặp ban giám hiệu nhà trường đến phụ huynh học sinh tên Chung, người nhà trường nói là đã gửi đơn kiến nghị chuyển giáo viên thì anh này phủ nhận rằng không viết lá đơn đó.
Một chi tiết khác liên quan đến việc chuyển lớp của bà Lan mà anh Hưng cho rằng vô lý và “có vấn đề” đó là, trong khi đơn phụ huynh kiến nghị đổi giáo viên vì lý do bà Lan già, mắt kém thì nhà trường lại điều một giáo viên đã nghỉ hưu để thay chỗ bà Lan.
|
Cơ sở chính của tiểu học Hồng Hà |
Sau hai lần liên tiếp bị chuyển lớp, anh Hưng cho biết, bà Lan đã có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản. Trong năm 2010, bà đã từng bỏ nhà đi 6-7 ngày và gia đình đã tìm thấy bà ở khu chợ Phúc Xá. Tiếp sau đó, bà phải nằm viện E (Cổ Nhuế, Hà Nội) một thời gian vì suy nhược cơ thể. “Hành động thể hiện rõ sự ức chế do bị o ép, trù dập chính là việc mẹ tôi tìm đến cái chết một cách oan ức vừa qua” anh Hưng đau đớn nói.
Sau khi trao đổi với anh Hưng, phóng viên Đất Việt đến tiểu học Hồng Hà để làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, làm rõ một số thông tin gia đình cung cấp và đã gặp ông Lê Hữu Thanh, Hiệu phó Trường tiểu học Hồng Hà. Tuy nhiên ông Thanh đã tù chối không trả lời những câu hỏi của chúng tôi hôm nay (28/9) với lý do phải chuẩn bị cho hội nghị ngày mai.
“Hội nghị ngày mai có sự tham dự của lãnh đạo phòng giáo dục huyện và vì có sự việc liên quan đến cô giáo Lan nên chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo một chút. Hẹn gặp đồng chí buổi khác”, ông Thanh từ chối.
(còn nữa)
Bình luận (0)