Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khuất tất vụ bán thầu thi công quốc lộ 14

Tạp Chí Giáo Dục

Khi đảm nhiệm thi công gói thầu số 9 trên quốc lộ 14 (đoạn qua xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk), Công ty CP Sông Hồng 36 (trực thuộc Tổng Công ty CP Sông Hồng) đã tùy tiện bán lại gói thầu này cho nhiều đơn vị khác. Vì thế, đã xảy ra những tranh chấp trong việc thi công gói thầu số 9 và làm chậm tiến độ thi công quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thuê nhà thầu phụ không báo cáo

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành 10 gói thầu. Liên danh Tổng Công ty CP Sông Hồng – Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trúng thầu ở gói thầu số 9 (đoạn từ Km1729+491 – Km1733+461) với giá trị 110,8 tỷ đồng (trong đó Tổng Công ty CP Sông Hồng đảm nhận phần khối lượng khoảng 82 tỷ đồng). Theo quy định của Bộ GTVT, dự án này không có nhà thầu phụ (nếu có phải được Bộ GTVT phê duyệt mới được quyền tham gia) và nhà thầu phụ (được phê duyệt) chỉ được quyền tham gia không quá 30% tổng giá trị gói thầu. Nhưng Tổng Công ty CP Sông Hồng lại giao quyền trực tiếp thi công gói thầu trên cho công ty con là Công ty CP Sông Hồng 36 khi chưa được Bộ GTVT phê duyệt.

Có nhiều điều bất minh trong việc thi công gói thầu số 9 trên quốc lộ 14 (đoạn qua xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Ảnh: CÔNG HOAN

Sau đó, Công ty CP Sông Hồng 36 đã tự ý mang gói thầu số 9 đi ký hợp tác, liên danh với các nhà thầu phụ khác như: Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (Đắk Lắk); Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng – Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Hà Nội)… để thi công gói thầu này khi chưa thông qua Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Từ đó, gói thầu này được nghiệm thu và thanh toán cho Tổng Công ty CP Sông Hồng, sau đó chuyển tiếp về cho Công ty CP Sông Hồng 36. Trong lúc đó, Công ty Sông Hồng 36 lại không thanh toán lại cho cho 2 đơn vị thi công khác là Công ty Thành Đô và Công ty Tân Việt Bắc. Đến khi sự việc bị đổ vỡ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và Bộ GTVT mới biết sự có mặt của Công ty Thành Đô và Công ty Tân Việt Bắc đã từng tham gia thi công gói thầu số 9 trong suốt thời gian dài.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết: Ngay đầu tháng 4, khi lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã có chỉ đạo xử lý nghiêm khắc các nhà thầu chậm tiến độ và có giải pháp đảm bảo dự án về đích đúng hẹn. Ban đã rà soát và phát hiện Công ty CP Sông Hồng 36 thuê thầu phụ không báo cáo, không đúng quy định, chất lượng, tiến độ dự án không đảm bảo nên đã yêu cầu Công ty CP Sông Hồng 36 và Tổng Công ty Sông Hồng thay toàn bộ ban điều hành, dừng ngay hợp đồng với nhà thầu phụ; nhanh chóng bổ sung lực lượng để đảm bảo khối lượng đăng ký.

“Bôi trơn” để có dự án?

Theo đơn tố cáo gửi Bộ Công an của Công ty Tân Việt Bắc, để trở thành nhà thầu phụ cho gói thầu số 9, công ty này phải chi 2 tỷ đồng “bôi trơn” cho Công ty CP Sông Hồng 36. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, cho hay: Khi biết Công ty Sông Hồng 36 đang cần nhà thầu phụ cho 2 gói thầu, chúng tôi đã tìm người môi giới (xin được giấu tên) làm nhà thầu phụ với chi phí “bôi trơn” 2 tỷ đồng. Vào ngày 17-9-2013, công ty đã chi trước cho họ 1 tỷ đồng thể hiện dưới dạng hợp đồng vay tiền để được ký hợp đồng thi công hai gói thầu của Công ty CP Sông Hồng 36 gồm: Gói thầu số 9 với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng và gói thầu xây lắp dự án quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Nhưng không hiểu sao hợp đồng này chỉ có chữ ký của ông Phạm Xuân Phương (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Hồng 36) chứ không hề có con dấu của công ty này? Sau đó, ông Nguyễn Duy Tới, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng 36, đã yêu cầu chúng tôi phải chuyển tiếp 700 triệu đồng mới được phép thi công. Chúng tôi đã chuyển 500 triệu đồng cho Công ty Sông Hồng 36 và chuyển riêng cho ông Phạm Xuân Phương 200 triệu đồng.

“Chuyển tiền xong, chúng tôi đề nghị Công ty Sông Hồng 36 giao tuyến để thi công thì ông Tới, ông Phương đã lẩn tránh. Nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, đại diện công ty tới hiện trường thi công mới phát hiện gói thầu này đang được Công ty Sông Hồng Vinh (trực thuộc thuộc Tổng Công ty Sông Hồng) thi công. Chúng tôi còn tiếp tục phát hiện tại gói thầu xây lắp dự án quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) có liên danh tới 3 nhà thầu thi công và giá trị thực chỉ còn khoảng 70 tỷ đồng, chứ không phải 200 tỷ đồng như hợp đồng đã ký trước đó. Ngay lập tức, chúng tôi đề nghị Công ty Sông Hồng 36 trả lại số tiền đã nộp nhưng công ty này khất lần và im lặng” – ông Bắc bức xúc. Khi Công ty Tân Việt Bắc quyết định làm “căng”, Công ty Sông Hồng 36 mới xuống nước giao cho Công ty Tân Việt Bắc mặt bằng tại tuyến đường thuộc gói thầu số 9 để thi công. Tại gói thầu này, Công ty Tân Việt Bắc đã ứng vốn trước 6 tỷ đồng để thi công ròng rã suốt 6 tháng trời nhưng khi nghiệm thu, thanh toán với chủ đầu tư, Công ty Sông Hồng 36 đã dùng khối lượng thi công của Công ty Tân Việt Bắc để nhận tiền và không hề thanh toán một đồng nào cho Công ty Tân Việt Bắc?

Cũng với hình thức đó, Công ty Sông Hồng 36 tiếp tục cho Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô “sập bẫy” như Công ty Tân Việt Bắc. Ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Công ty Thành Đô, cho biết: Công ty Thành Đô cũng đã bỏ tiền ứng vốn khoảng 6 tỷ đồng để thi công gói thầu trên, nhưng khi nghiệm thu, thanh toán với chủ đầu tư, Công ty Sông Hồng 36 đã dùng khối lượng thi công của Công ty Thành Đô để nhận tiền và không thanh toán cho Thành Đô một đồng nào? Bà Nguyễn Thị Thắng (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Sông Hồng) còn đưa ra một yêu cầu lô gô và trang phục phải thống nhất lấy tên Tổng Công ty Sông Hồng khi tham gia thi công trên công trường. Nhưng ông Mai Văn Đông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng, khẳng định ở Tổng Công ty CP Sông Hồng không có bất kỳ ai tên là Nguyễn Thị Thắng với chức vụ là Phó Tổng Giám đốc cả? Theo tìm hiểu của PV, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ những dấu hiệu lừa đảo quy mô xảy ra tại dự án này.

CÔNG HOAN (SGGP)

Bình luận (0)