Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tâm sự: “Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương, đó là: lời – hành động – tấm lòng”. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thực hiện đúng ba yếu tố phẩm chất văn chương của ông.
Năm 1971, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hoạt động xây dựng cơ sở ở một địa bàn miền Tây thành phố Huế, vùng đất Tà Ôi dân tộc. Những sáng, những trưa cả những đêm trăng nhà thơ ra nương lên dốc, vào làng nhìn nhiều tấm lưng người con gái Tà Ôi đi trước làm giao liên, trên lưng gùi gạo có khi “gùi” con, trong ý nghĩ nhà thơ sao mà sừng sững, vững chãi. Có buổi trưa, trên lưng người con gái “gùi” con hai tay khoan nhặt tỉa bắp. Trong nắng cháy rát, đất khô như tóe lửa, giọng người mẹ ru cho con ngủ. Những đứa con có ngủ đâu, nhà thơ thoảng nghe giọng đứa bé trên lưng người mẹ. Nhà thơ nhìn kỹ, ôi hai mắt đứa bé. Chẳng lẽ đó là mặt trời. Mà mặt trời thật, mặt trời trên lưng người mẹ. Một ý thơ vụt sáng “Mặt trời của bé nằm trên lưng” trong khi ấy mặt trời của bắp nằm trên đồi. Một lần khác, ngày bà con rời làng, chuyển lán, nhà thơ đi sau lưng người mẹ, trên lưng mẹ giọng đứa bé bi bô. Phía trước mặt là rừng núi Trường Sơn, phía bên kia rừng Trường Sơn là mặt trận. Người mẹ và đứa bé đi vào Trường Sơn và đến với chiến trường. Trong nhà thơ bỗng vang lên một giọng hát ru, giọng ru cho bé ngủ, giọng ru để chân cứng đá mềm cho mẹ đi, một giọng ru ngân dài, một giọng ru có giai điệu thơ “Ngủ ngon Akay ơ, ngủ ngon Akay hời” và ý thơ chợt đến: “Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối/ Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông/ Mẹ đưa em đi để giành trận cuối/ Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường/ Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn”.
Một lần, vào đêm trăng, ngoài kia rừng yên ắng, nhà sàn lung linh ánh lửa, trong sân nhà mấy đứa bé chạy nhảy vui đùa, xa xa vài tiếng nổ. Nhà thơ nghĩ, trong cuộc chiến này, nơi lớn lên của bé là lưng mẹ. Đó là những tấm lưng vừa ru bé lớn, vừa giã gạo nuôi con, nuôi bộ đội. Qua ánh lửa, qua ánh trăng mấy tấm lưng mẹ cứ nhấp nhô, mấy chiếc đầu tròn của bé nghiêng nghiêng theo giấc ngủ trong nhịp chày. Thế là nhà thơ vội vã bắt kịp ý thơ: “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ con nghiêng/ Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi/ Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối/ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”. Chày khua, giọng hát mẹ lẫn trong tiếng chạy nhảy của mấy đứa bé làm nhà thơ nghĩ đến hạt gạo trắng, đứa con lớn lên đi lún sân cùng nhịp chày: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/ Mai sau con lớn vung chày lún sân”.
Thế là ý thơ cuối “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ” được đặt lên để thành khổ thơ mở đầu khúc hát ru. Nhịp chày ru, giấc ngủ ru, vai mẹ gầy ru – để rồi sau đó, khúc ru tỉa bắp, mặt trời của bắp ru, mặt trời trên lưng mẹ được ru – và lưng mẹ ru vào Trường Sơn cho con ngủ cho con lớn lên.
TRÚC CHI

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)