Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khúc tráng ca tại thành Gia Định

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 27/1, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã công diễn vở Khúc tráng ca thành Gia Định (kịch bản: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ). Khá lâu rồi, nhà hát mới lại có một tác phẩm đề tài lịch sử đầy hào khí như vậy.

Hào khí để lại

Khúc tráng ca thành Gia Định tái hiện một chương lịch sử đau thương mà hào hùng của vùng đất Gia Định những ngày đầu Pháp xâm lược nước ta. Tiêu biểu là trận tử chiến giữ thành Gia Định đứng đầu là tổng đốc Võ Duy Ninh trước liên quân xâm lược Pháp và Tây Ban Nha (năm 1859). Trước sức mạnh của vũ khí tối tân từ phương Tây, thành Gia Định đã sớm thất thủ. Tổng đốc Võ Duy Ninh tử tiết. Nối tiếp tinh thần “thành còn người còn, thành mất người mất” đó, nhiều dũng tướng Đại Nam và lớp lớp người dân đã kiên cường tiếp tục đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Với nhiều người, nhân vật Võ Duy Ninh vẫn còn ít được biết đến khi thời gian nhậm chức giữ thành của ông khá ngắn ngủi và nhất là xét về lẽ nào ông cũng là “kẻ chiến bại”. Thế nhưng tác giả Phạm Văn Đằng lại nghĩ khác. Trong quá trình tìm tư liệu cho tác phẩm, anh đã bắt gặp và cảm động trước tinh thần của người anh hùng chống giặc ngoại xâm Võ Duy Ninh. “Ông là vị tướng cấp cao đầu tiên của triều Nguyễn ngã xuống trong cuộc chiến chống quân xâm lược Pháp. Cuộc đời ông không gắn bó nhiều với vùng đất Gia Định nhưng ông đã chết vì vùng đất này. Đây là vị tiền nhân mà tôi nghĩ chúng ta cần vinh danh” – Phạm Văn Đằng chia sẻ.

Hình tượng tổng đốc  Võ Duy Ninh sát cánh cùng quân, dân Gia Định là biểu tượng của tinh thần yêu nước bất diệt

Hình tượng tổng đốc Võ Duy Ninh sát cánh cùng quân, dân Gia Định là biểu tượng của tinh thần yêu nước bất diệt

Ý tưởng của Phạm Văn Đằng đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, nhiều đàn anh đàn chị và đồng nghiệp trong nghề để sau 2 năm kiên trì theo đuổi đã có tác phẩm Khúc tráng ca thành Gia Định hôm nay. 

Đạo diễn Hoa Hạ đặc biệt chia sẻ sự đồng cảm với tác giả trẻ trong việc tìm lại và vinh danh những nhân vật có công với vùng đất này. “Ban đầu, tôi cũng thấy rất khó khi làm về một người hùng bại trận, nhưng càng đi sâu tìm hiểu lại càng cảm động. Trận chiến bảo vệ thành Gia Định của quan quân nhà Nguyễn đã thất bại, tổng đốc Võ Duy Ninh nhận trách nhiệm tử tiết theo thành nhưng cái hào khí ông và quân dân Gia Định để lại lớn lắm. Chính cái hào khí đó đã tiếp tục hun đúc, đoàn kết quân dân ta tiếp tục chiến đấu và giữ vững đến ngày chiến thắng” – đạo diễn Hoa Hạ xúc động nói.

Một vở cải lương hấp dẫn

“Lâu nay, sân khấu cải lương mình thường mỗi cảnh cứ ngưng rồi dọn, ngưng rồi dọn. Nhưng ở vở diễn này, đạo diễn Hoa Hạ đã giải quyết những thay đổi không gian, thời gian, bối cảnh của vở chỉ bằng âm nhạc, ánh sáng, vũ điệu và nhiều yếu tố khác mà không cần chuyển cảnh. Một vở cải lương có tiết tấu rất hiện đại” – Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Thiện nhận xét. Điều làm nữ nghệ sĩ lão thành cảm động nhất chính là: “Lâu lắm mới coi được một vở mà bài bản cải lương được sử dụng vô cùng phong phú mà xài đúng chỗ, không lê thê, thậm chí từ bài này nối qua bài kia rất hợp và nó phục vụ tiết tấu sân khấu. Cái này thì phải người trong nghề mới biết được”.

Là người đi trước, NSƯT Lê Thiện càng xúc động hơn khi chứng kiến sức trẻ trên sân khấu. Khúc tráng ca thành Gia Định được một tác giả trẻ chấp bút với lực viết ngày càng sung sức. Cũng cần khẳng định sức hút của lớp nghệ sĩ đã chín muồi về tài năng là NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Thy Trang, nghệ sĩ Điền Trung. Vở cũng tạo điều kiện để các diễn viên trẻ như Hoàng Hải, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Văn Hợp, Trúc Phương, Trọng Hiếu tiếp bước.

NSƯT Lê Tứ tiếp tục thể hiện cái duyên của mình với các nhân vật lịch sử. Lần này, anh đảm nhận đến 2 vai trong vở là 2 vị tổng đốc kháng Pháp: Võ Duy Ninh và Nguyễn Tri Phương. “Đạo diễn Hoa Hạ muốn thể hiện sự kết nối tâm linh, người ở lại nối tiếp tinh thần quyết tử của người đi trước giữ thành nên đề nghị tôi đảm nhận cả 2 vai. Đây là niềm vinh dự vì được tin tưởng, đồng thời cũng là khó khăn khi phải thể hiện được 2 nhân vật khác nhau” – NSƯT Lê Tứ chia sẻ. Anh cho biết đã tập luyện nhiều cho vai Nguyễn Tri Phương để giữ giọng ca, thoại và dáng đi, điệu bộ cho một vai kép lão.

“Các em hôm nay biểu diễn rất hay, rất nhiệt tình. Nhiều người vẫn nói cải lương mình còn khó khăn, nhưng nhìn các em, chúng tôi lại thấy tin tưởng” – NSƯT Lê Thiện nói.

“Đến nay, vẫn còn ít người TPHCM biết đến Võ Duy Ninh, vẫn chưa có bức tượng nào của ông tại thành phố này, tôi cho đó là điều thiếu sót. Còn nhiều vị nữa gắn bó với Gia Định thành mà tôi hy vọng sẽ có cơ hội làm về họ trong tương lai” – NSƯT Hoa Hạ bộc bạch. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)