Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Khủng hoảng điểm số khi nhiều đại học bỏ ACT và SAT

Tạp Chí Giáo Dục

Thành tích học tập của học sinh tại Mỹ sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi nhiều trường đại học không còn dùng ACT và SAT làm chuẩn đầu vào.

Thành tích của học sinh Mỹ sụt giảm trong 5 năm gần đây. Ảnh: NBC News.

Cuộc khủng hoảng giáo dục công lập tại Mỹ đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Việc quyết định từ bỏ điểm SAT và ACT của nhiều trường đại học cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vì yêu cầu các trường trung học ra tay xử lý vấn đề, các trường đại học lại làm ngơ.

Kịch bản ảm đạm nhất đang xảy ra với học sinh Mỹ, khi điểm thi ACT đang ở mức thấp nhất trong 30 năm. Điểm môn Toán và môn Đọc của học sinh lớp 4 và lớp 8 tại nước này cũng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng.

Những điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, kêu gọi các trường phải can thiệp vào hệ thống giáo dục trung học, đồng thời kêu gọi các trường đại học khôi phục các tiêu chuẩn đầu vào như ACT và SAT.

Thành tích giảm từ năm 2018

Học online trong đại dịch là một "thảm họa" đối với học sinh ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tình trạng kết quả học tập giảm sút đã xảy ra từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, kể từ năm 2018, điểm ACT trung bình tại Mỹ giảm dần theo từng năm. Tỷ lệ học sinh không đủ điều kiện để vào đại học (do điểm Tiếng Anh, Toán, Đọc, Khoa học quá thấp) đã tăng 7%.

Ngoại trừ học sinh châu Á, học sinh ở các chủng tộc khác đều có thành tích kém hơn so với học sinh năm 2018 trở về trước.

Các học sinh tốt nghiệp trung học năm 2022 có điểm ACT trung bình là 19,8/36. Đây là lần đầu tiên điểm trung bình của ACT rớt xuống dưới 20 điểm từ năm 1991.

Theo thống kê, khoảng 22% học sinh đạt đủ điểm ở thi 4 môn Tiếng Anh, Toán, Đọc, Khoa học. Tỷ lệ thí sinh có điểm thi các môn không bằng điểm chuẩn đã tăng từ 38% vào năm 2021 lên 42% vào năm 2022.

tuyen sinh dai hoc My anh 1

Học sinh cần được tham gia các kỳ thi để được thử thách, cọ xát nhiều hơn. Ảnh: New York Times.

Học sinh tiểu học và THCS cũng gặp tình trạng tương tự. Từ trước đại dịch, kết quả học tập của các em đã bắt đầu giảm. Đến năm 2022, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Năm nay, kết quả National Assessment of Educational Progress (NAEP – Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia – PV) cho thấy kết quả môn Toán của học sinh lớp 4 và lớp 8 thấp kỷ lục.

Chỉ khoảng 1/4 học sinh lớp 8 đạt điểm ở mức độ thông thạo môn toán. 3 năm trước, con số này là 1/3.

Theo ông Michael R. Bloomberg, nhà sáng lập Bloomberg, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống trường công của Mỹ hiện không giúp học sinh trang bị kiến thức và kỹ năng để vào đại học và tìm kiếm việc làm.

Tình trạng này đang tệ dần theo thời gian nhưng các trường đại học lại làm ngơ, giả vờ không nhận thấy.

Kể từ năm 2020, số trường đại học ngừng sử dụng điểm ACT hoặc SAT làm chuẩn đầu vào đã tăng gần gấp đôi, tức là hơn 1.800 trường. Nhiều trường trong số này là những đại học danh tiếng tốp đầu như Đại học Harvard, Đại học Cornell, Đại học Yale…

Kết quả, học sinh không còn bận tâm đến việc tham gia các kỳ thi. Từ năm 2018 đến nay, số học sinh lớp 12 tham gia ACT đã giảm gần 30%, dù tổng số thí sinh nộp hồ sơ vào đại học tăng lên.

ACT và SAT cần được hồi sinh

Những người theo chủ nghĩa "bài trừ thi cử" từ lâu đã khẳng định rằng việc dừng sử dụng điểm thi SAT và ACT trong các kỳ tuyển sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những thí sinh có thu nhập thấp, những thí sinh ít được tiếp cận với các khóa học, luyện thi hoặc dạy kèm đắt tiền.

Tuy nhiên, ít bằng chứng cho thấy việc loại bỏ SAT và ACT có thể làm tăng sự đa dạng kinh tế trong môi trường đại học.

Thực tế, việc loại bỏ các loại điểm chuẩn đầu vào lại có nguy cơ mở rộng khoảng cách giữa thí sinh giàu và thí sinh nghèo. Không cần điểm SAT hay ACT, thí sinh có điều kiện vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng cách nâng cao những chuẩn đầu vào khác như tham gia hoạt động ngoại khóa, tình nguyện… Trong khi đó, thí sinh khó khăn sẽ ít có cơ hội tham gia loại hoạt động này để làm sơ đại học.

Hơn nữa, từ bỏ các kỳ thi chuẩn đầu vào đồng nghĩa với việc các trường đại học đang giảm bớt động lực và áp lực cho các trường trung học. Chính điều này khiến thành tích học tập của trẻ giảm mạnh.

Việc hồi sinh chuẩn đầu vào bằng ACT hoặc SAT sẽ giúp việc tuyển sinh công bằng hơn, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm cho các trường trung học.

Ông Michael R. Bloomberg cho rằng loại bỏ các tiêu chuẩn SAT hay ACT không thể giúp thành tích học tập của trẻ tốt hơn. Thay vào đó, các trường phải để cho trẻ tham gia các kỳ thi để được cọ xát nhiều hơn. Đồng thời, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả thi của trẻ.

Nhà sáng lập Bloomberg đề xuất các trường đại học cần tăng cường tuyển những thí sinh thu nhập thấp nhưng điểm thi cao. Ông nhận thấy nhiều em không thể nộp đơn vào trường đại học dù đủ điều kiện trúng tuyển do điều kiện kinh tế của các em không cho phép.

Trong nền kinh tế cạnh tranh và đòi hỏi nhiều kỹ năng như hiện nay, việc bỏ qua các tiêu chuẩn đầu vào đại học đang đồng nghĩa với việc học sinh bị hạn chế cơ hội nghề nghiệp. Việc này cũng khiến nhiều người phải phụ thuộc vào chính phủ để kiếm sống, nghiêm trọng hơn là bị lôi kéo vào các hoạt động tội phạm.

"Học sinh Mỹ cần những can thiệp táo bạo, chuyên sâu và bền vững nhằm đảm bảo các em được học đủ những kỹ năng cần thiết để thành công – không riêng trong các kỳ thi mà cả trong cuộc sống", ông Michael R. Bloomberg nhấn mạnh.

Thái An/Zingnews (Theo Bloomberg)

 

Bình luận (0)