Hội nhậpThế giới 24h

Khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện

Tạp Chí Giáo Dục

Dù cuộc khủng hoảng hiện nay gây nhiều đau đớn nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt để phát triển năng lượng sạch

Phát biểu tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore, khai mạc hôm 25-10, ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), khẳng định "đang xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự".

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang căng thẳng kết hợp với quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Giám đốc điều hành IEA cho biết chỉ có khoảng 20 tỉ m3 LNG mới có mặt trên thị trường vào năm sau trong khi lượng nhập khẩu LNG của châu Âu tiếp tục tăng cao và có khả năng Trung Quốc sắp quay đầu mua vào.

Đơn cử, theo Reuters, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Enagas thông báo nhu cầu khí thiên nhiên để sản xuất điện ở Tây Ban Nha đã tăng đến 80% trong 9 tháng đầu năm nay, một phần do hai nước láng giềng Pháp và Bồ Đào Nha mua thêm điện của nước này.

Trao đổi thêm với tờ The Straits Times, ông Birol cho rằng thị trường khí đốt sẽ eo hẹp nguồn cung cho đến năm 2024, đồng nghĩa với giá cả tiếp tục ở mức cao.

Khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện - Ảnh 1.

Hoạt động tại một trạm sạc cho ôtô điện ở Bilbao – Tây Ban Nha hôm 25-10. Ảnh: Reuters

Cùng lúc, việc liên minh OPEC+ (giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC – và các đối tác, bao gồm Nga) cắt giảm 2 triệu thùng dầu khai thác mỗi ngày là một "quyết định mạo hiểm", theo ông Birol, nhất là khi nhiều nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái, nếu không muốn nói là suy thoái toàn cầu.

Ngoài ra, ông Birol – người từng làm việc tại OPEC trước khi gia nhập IEA vào thập niên 1990, đánh giá thị trường thế giới vẫn cần dầu của Nga, bất kể phương Tây có áp giá trần hay không.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với báo The Straits Times, ông Birol bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ làm sâu sắc thêm những hoài nghi giữa nước giàu và nước nghèo, đồng thời đào sâu hơn những rạn nứt địa chính trị.

Dù cuộc khủng hoảng hiện nay gây nhiều đau đớn nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt để phát triển năng lượng sạch mạnh hơn, theo ông Birol.

Gần đây, Mỹ đã thông qua Đạo luật Cắt giảm lạm phát, qua đó rót 369 tỉ USD – thông qua các hỗ trợ về thuế và bảo lãnh – để phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và các nguồn năng lượng sạch khác. Trong khi đó, kế hoạch REPowerEU trị giá 210 tỉ euro của Liên minh châu Âu cũng nhằm tăng tốc đầu tư cho năng lượng sạch sao cho không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.

Tại châu Âu, hôm 25-10, hai Công ty Orsted và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)của Đan Mạch thông báo kế hoạch bắt tay nhau để tăng mạnh nguồn điện gió ngoài khơi nước này – lên đến 5,2 GW. Các dự án có thể tiến hành vào năm 2027 hoặc 2028. Orsted chính là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, còn CIP là nhà phát triển lớn kiêm quỹ đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chuyển sang châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã hoạch định các khoản đầu tư lớn cho năng lượng xanh. Được ông Birol đánh giá là khu vực then chốt trong chuyển đổi xanh và là động lực tăng trưởng chính cho thị trường năng lượng toàn cầu, châu Á hiện tiêu thụ khoảng 80% lượng năng lượng toàn cầu.

Theo dự báo của IEA, các nguồn năng lượng thay thế sẽ lập kỷ lục mới về sản lượng trong năm 2022, với sản lượng điện năm nay có thể tăng thêm 20% so với năm ngoái, lên mức 400 GW. 

EU loay hoay với giá trần khí đốt

Bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-10 thảo luận về việc áp giá trần khí đốt trên toàn khối nhưng có thể mất vài tuần để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi vẫn chưa có đề xuất pháp lý nào về giá trần khí đốt, cuộc họp ở Luxembourg nói trên chỉ tranh luận về các cách thức áp giá trần cũng như những vấn đề hạn chế. Theo hãng tin Reuters, chi phí khí đốt đã giảm trong những ngày gần đây trong bối cảnh thời tiết ôn hòa và các nước đã lấp đầy các kho dự trữ.

Một số nhà ngoại giao EU cho rằng điều này có thể làm giảm động lực áp giá trần khí đốt nhưng những người khác lập luận vẫn phải thực hiện nhằm đề phòng giá cả tăng đột biến khi châu Âu bước vào mùa đông.

Trong khi đó, việc Mỹ tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đã khiến hoạt động dỡ hàng bị ùn ứ tại các cảng có cơ sở hạ tầng hạn chế. Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng hải toàn cầu MarineTraffic, 60 tàu chở LNG không chạy hoặc chạy chậm vòng quanh Tây Bắc châu Âu, Địa Trung Hải và bán đảo Iberia. Một chiếc neo tại kênh đào Suez trong khi 8 tàu LNG xuất phát từ Mỹ đang đến cảng Huelva của Tây Ban Nha.

Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty Tư vấn Lipow Oil Associates (Mỹ), cho biết sự chậm trễ này khiến các tàu chở LNG phải quay trở lại bờ Tây nước Mỹ để nhận đợt hàng tiếp theo, điều đó khiến lượng khí đốt tự nhiên tồn kho tăng nhiều hơn so với dự kiến của thị trường.

Theo đài CNBC, châu Âu thiếu khả năng chuyển đổi LNG thành khí đốt do thiếu các nhà máy chuyển đổi LNG và đường ống kết nối các quốc gia có cơ sở chuyển đổi LNG. Hậu quả là lượng LNG trong kho dự trữ nổi tăng lên và làm giảm giá khí đốt tự nhiên.

Ông Jacques Rousseau, giám đốc điều hành dầu khí toàn cầu của Công ty Nghiên cứu ClearView Energy Partners LLC (Mỹ), cho biết: "Trữ lượng khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng và hiện đã vượt quá 93%".

Xuân Mai

Theo Hải Ngọc/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)