Tòa soạnThư đi – tin lại

Khủng hoảng nhân lực ngân hàng: Hàng gửi lấn át hàng tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân lực cho ngành ngân hàng đang dôi dư rất nhiều so với đào tạo. Ảnh: I.T

Vừa qua, TalentPool và CFVG đã tổ chức tọa đàm quản trị nhân sự 2014 với chủ đề sàng lọc nhân lực thời khủng hoảng trong quản trị nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng. Đánh giá cho thấy, thời gian tới, ngành này vẫn dôi thừa nhân lực. Đặc biệt, vấn đề người được tuyển “chiến đấu” với người được gửi để giành suất làm việc được các chuyên gia quan tâm mổ xẻ…
“Cuộc chiến” không cân sức
Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi thể chế tài chính. Các nhà lãnh đạo phải đặt ra một gánh nặng sẽ phải quản lý nguồn nhân lực như thế nào trong cơn chao đảo này, làm thế nào để tìm ra những nhân tài mới, những người tinh thông mới phù hợp với công việc và làm việc có hiệu quả nhất. Chính vì vậy, buổi hội thảo này là cơ hội để lắng nghe các lãnh đạo của những ngân hàng thương mại Việt Nam và những chuyên gia nổi tiếng về quản lý nhân sự sẽ đánh giá những sáng tạo về mặt quản lý nguồn nhân sự ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, có một vấn đề mà các đại biểu quan tâm tại tọa đàm lần này đó là hàng tuyển “chiến đấu” với hàng gửi thế nào? Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ biết (trí tuệ) đã trở thành một vấn đề quen thuộc trong tìm kiếm việc làm hiện nay, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Làm thế nào để hàng “thật”, “chiến đấu” được với hàng gửi? Thực tế, vì rất nhiều nguyên nhân, hàng gửi bao giờ cũng chiếm lợi thế hơn hàng tuyển. Theo ông Cấn Văn Lực – Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV – vấn đề mối quan hệ đúng là vô cùng quan trọng. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp thì có tới 58% đồng ý quan hệ quan trọng. Tuy nhiên, 4 thứ tự ưu tiên được nêu ở trên thực chất là vấn đề tệ nạn. Ông Lực cảnh báo tổ chức nào sử dụng nhân lực theo tệ nạn đó sớm muộn sẽ thất bại. Biết là thế nhưng không phải sếp nào cũng tránh được. Trên ép xuống, dưới ép lên, không nhận không được. Vì trí tuệ chỉ xếp hàng thứ 4 nên nhiều lãnh đạo ngân hàng đã dở khóc, dở cười khi cứ phải đào tạo đi đào tạo lại hàng gửi. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng giám đốc TT Pvcombank – người lãnh đạo trước khi đưa ra quyết định đã phải có giải pháp, phương án phòng bị cho hàng tuyển. Việc mất đi một nhân sự tốt không có gì đáng tiếc đối với một lãnh đạo tồi.
Cung cầu vẫn vênh
Nói về nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong thời gian tới, ông Lực cho hay mỗi năm có khoảng 29.000 tân cử nhân của ngành học này ra trường, trong khi cầu chỉ khoảng 17.000 người. Như vậy, mỗi năm có khoảng 12.000 cử nhân ngân hàng ra trường gặp vô vàn khó khăn trong tìm việc. Nhưng đó còn chưa phải là mấu chốt vấn đề. Ông Lực cho hay, trong một cuộc tuyển chọn có 7.000 hồ sơ chỉ lấy được 200 cán bộ. Qua nhiều lần tiếp xúc với sinh viên các trường ĐH, ông Lực khẳng định những điểm yếu của sinh viên ngành này gồm: Kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời phỏng vấn, đến phỏng vấn muộn giờ, thậm chí không nhớ số báo danh… và vấn đề quan trọng khác là ngoại ngữ. Theo ông Lực, sinh viên tỉnh gặp trở ngại về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Bích Huyền – Giám đốc Khối quản trị nhân lực VPBank – cho hay với áp lực thay đổi, cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ muốn lấy người có kinh nghiệm, ít doanh nghiệp muốn lấy người trẻ vào đào tạo. Vì vậy, với tân sinh viên, họ sẽ phải chứng minh được cho nhà tuyển dụng thấy họ là người có khả năng giải quyết vấn đề, liên tục tìm tòi đưa ra sáng kiến cải tiến.
Sau một thời gian tạm thời hạ nhiệt, mùa tuyển sinh năm nay, khối ngành tài chính ngân hàng đã hút thí sinh trở lại. Cụ thể, Học viện Ngân hàng năm nay có số lượng hồ sơ lớn hơn năm trước đến vài ngàn. Con số này cho thấy, ngành ngân hàng không những không hạ nhiệt mà đã nóng trở lại, bất chấp cảnh báo của Bộ GD-ĐT.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)