Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khủng hoảng sách thị trường: Kỳ 1: Đua nhau “xào nấu”

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn lựa một cuốn sách về nữ công gia chánh mới, lạ xem ra rất khó

Từ ngày chính thức gia nhập công ước Berne (26-10-2004) – đến nay, thị trường sách Việt Nam có phần chững lại (đặc biệt là lĩnh vực sách dịch). Người làm sách tỏ ra thận trọng hơn trong việc chọn tác phẩm để dịch và ấn hành, theo đó cũng xuất hiện khá nhiều chiêu thức nhằm hạn chế đến mức tối đa chi phí xuất bản. Và “xào nấu” sách là một trong những cách làm mà rất nhiều công ty sách (CTS) đã và đang áp dụng.
Tại TP.HCM, lượng sách dịch đang chiếm khoảng 40-50% tổng lượng sách phát hành, trong đó chủ yếu là các loại sách thị trường như: tiểu thuyết, truyện, sách sinh ngữ, sách tâm lý, sách nữ công gia chánh… Hiện nay, nhiều CTS (đa phần là công ty tư nhân) “liều mình” rẽ sang một bước ngoặt mới cho công cuộc làm sách của mình. Họ không ngần ngại “xào nấu”, lượm lặt thông tin từ những sách của công ty, nhà xuất bản (NXB) khác để tạo thành “ấn phẩm” hot. Cách làm này không quá khó trong khi món lợi thu được chẳng nhỏ chút nào. Thấy quá dễ ăn, rất nhiều CTS bắt chước, giẫm lên “vết xe đổ” của nhau để làm điều phạm pháp.
Làm mới sách cũ để lừa độc giả
Dạo một vòng quanh các nhà sách lớn trong thành phố, chúng ta sẽ thấy được sự bát nháo của thị trường sách Việt Nam. Nữ công gia chánh, Khéo tay hay làm, Làm đẹp, Tâm sinh lý, Học làm người, Giáo dục giới tính là những loại sách được “xào nấu” nhiệt tình nhất. Bạn Trần Thị Huyền Trang, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chán nản: “Nghỉ hè, tôi muốn tìm mua vài cuốn sách nấu ăn để cải tạo tay nghề nấu nướng, nhưng rảo qua rảo lại chẳng thấy có gì mới. Sách nhìn ngoài bìa rất đẹp nhưng cứ na ná giống nhau. Đọc đã thấy chán chứ đừng nói gì là mua về. Không những thế, còn có nhiều cuốn sách dịch, món ăn đó chẳng phù hợp với ẩm thực Việt Nam mà vẫn bày bán tràn lan”.
Đôi khi, các CTS còn “xào nấu” chính những “đứa con” của mình. Anh Trịnh Thế Thắng, Giám đốc Trung tâm Thiết kế – dịch- chế bản Thế Anh chia sẻ: “Nhiều khi khách hàng yêu cầu chúng tôi dịch và xào 2, 3 cuốn sách lại với nhau để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo sự khác lạ. Có lúc, dịch giả phải “xào” sách tiếng Anh với tiếng Hoa để cho ra một bản dịch hoàn chỉnh. Làm vậy rất rối, nhưng đó là yêu cầu của khách, không làm không được. Các sách Nữ công gia chánh, Làm đẹp thường sử dụng cách làm này, do đó, không tránh khỏi tình trạng trùng lặp nội dung”.
Thực tế cho thấy, hiện nay, sách Nữ công gia chánh hay Khéo tay hay làm của Việt Nam còn khá nghèo nàn về nội dung, sơ sài về hình thức; vì thế, bắt buộc các CTS phải tìm cách thoát thân thông qua việc dịch sách. Sách dịch nếu biết chọn lọc và biên tập kỹ thì rất đáng đọc vì nó mới lạ, thu hút được sự tò mò của độc giả. Thế nhưng, do nôn nóng kiếm tiền nên nhiều CTS đã qua loa trong khâu biên tập, dẫn đến hậu quả còn khá nhiều “sạn” nơi tác phẩm của mình. Điển hình như cuốn 30 phút cho từng món chay ngon của Nhà sách Văn Lang mắc phải những lỗi sau: không ghi rõ tên tác giả của nguyên tác và nguồn mà thay bằng tên dịch giả: Tuyết Minh – Kiến Văn, như vậy là phạm Luật Xuất bản vì đây là sách dịch từ châu Âu; biên tập chưa kỹ nên không phù hợp với độc giả Việt Nam. Chẳng hạn như trong khâu chọn nguyên liệu, biên tập viên chưa thật tinh ý khi để lại khá nhiều tên rất Tây như: pho mát Gruyère, pho mát Camembert, Lasagna Mascarpone, mì Sopa… Những loại nguyên liệu này rất khó (hoặc không thể tìm thấy) tại Việt Nam, gây khó khăn trong quá trình ứng dụng của người đọc. Từ cách làm còn nhiều sơ hở này, chính các CTS đã tự “vạch áo cho người xem lưng”.
Bên cạnh đó, có nhiều sách xuất bản đã lâu nhưng vẫn thuộc lĩnh vực sách đang bán chạy trên thị trường (sách học ngoại ngữ cấp tốc) nên được các CTS tiến hành biên tập, chỉnh sửa một ít lại rồi cho xuất bản. Thế là có thêm một đầu sách phục vụ độc giả. Những loại sách như thế quả thật “mới mà chẳng mới” bởi chúng không được cập nhật thông tin suốt một thời gian dài.
Chạy theo thị trường nên làm sơ sài
Bên cạnh việc “trộn” sách, không ít công ty còn làm sai quy trình xuất bản nên nhiều khi phải chịu thiệt. Muốn tiết kiệm phí tác quyền, không ít chủ nhà sách chọn mua sách Trung Quốc về dịch để luồn lách pháp luật. Thế nhưng, chính họ đã đẩy lùi mình trên nấc thang thành công. Trong khi nhiều người mạnh dạn bỏ tiền cho mảng tác quyền để xuất bản những cuốn sách hay và nổi tiếng trên thế giới thì nhiều “chủ thầu” sách lại bằng lòng với những tác phẩm có nội dung cũ rích, dài dòng từ Trung Quốc. Chắc hẳn, những mảng sách được đầu tư không đến nơi đến chốn này sẽ không thể nào có chỗ đứng trên thị trường sách đầy biến động của chúng ta hiện nay.
Không những thế, nhiều CTS còn đăng ký kiểm duyệt bản thảo ở những nhà xuất bản chưa đủ chức năng. Ví dụ như cuốn Từ điển công nghệ sinh học và y sinh học Anh – Anh – Việt của Nhà sách Nhân Văn lại xin giấy phép của NXB Giao thông Vận tải hay cuốn Truyền thuyết về Quan Thế Âm của Nhà sách Văn Lang lại xin giấy phép của NXB Văn hóa thông tin thay vì phải thông qua sự kiểm duyệt nội dung của NXB Từ điển bách khoa và NXB Tôn giáo. Có thể vì mối quan hệ làm ăn mà nhiều CTS và NXB quên mất chức năng cũng như chuyên môn của mình? Với cách làm việc như vậy, liệu những cuốn sách sau khi kiểm duyệt có đảm bảo được chất lượng?
Chị Trịnh Thị Hòa, biên tập viên mảng sách thị trường thừa nhận: “Hiện nay, nội dung sách trùng lặp rất nhiều, chẳng có gì đặc biệt. Nhất là những bản thảo dịch từ tiếng Trung, nhiều khi biên tập mà bực mình kinh khủng. Sách đã lan man, tay nghề dịch giả không phải ai cũng vững nên bản thảo còn quá nhiều “sạn”. Có lúc biên tập xong chúng tôi không biết sách ra sẽ bán cho ai. Mình thấy buồn cho sách dịch quá! Càng ồ ạt chất lượng càng kém”.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Bình luận (0)