Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khủng hoảng sách thị trường: Kỳ 2: Sách Việt… thua trên sân nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn trẻ say mê đọc sách ngoại tại Nhà sách Thăng Long

Vào hè, các NXB cũng như những công ty sách (CTS) tốc hành “xuất xưởng” khá nhiều ấn phẩm dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Các em học sinh và phụ huynh vì thế sẽ nghĩ rằng mình có nhiều sự chọn lựa, nhưng rảo quanh các nhà sách, chúng ta chưa chắc đã tìm được những bộ sách ưng ý cho một mùa hè thú vị, bổ ích.
Có thể nói, thị trường sách dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn tại TP.HCM rất nghèo nàn về nội dung. NXB Kim Đồng với những bộ truyện tranh và truyện chữ thuần Việt dành cho tuổi “búp măng” nổi đình nổi đám như: Thần đồng đất Việt, Kính Vạn Hoa và những bộ truyện của Nguyễn Nhật Ánh… đã được “chào đời” rất lâu giờ vẫn còn bày bán tại nhiều nhà sách.
Nội dung nghèo nàn, trùng lặp nhau
Hè về, dạo quanh các tụ điểm bán sách nổi tiếng ở TP.HCM, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều em nhỏ được bố mẹ dẫn đi mua sách, truyện về đọc. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, phần đa các em bị cuốn hút bởi truyện tranh nước ngoài nên khá thờ ơ với “hàng nhà”. Một em nhỏ bộc bạch: “Em rất ghiền Đôrêmon nên khi thấy phiên bản mới Đoreamon (dùng tên theo nguyên tác tiếng Nhật – PV), em liền xin mẹ cho mua về đọc”. Khi được hỏi sao không đọc truyện tranh cổ tích Việt Nam, bé hồn nhiên đáp: “Chán lắm cô ơi, hình vẽ không đẹp như truyện Đôrêmon đâu. Những chuyện này con nghe mẹ kể hoài nên chán rồi, đọc cũng chẳng có gì mới”. Không biết những nhà làm sách thiếu nhi trong nước nghĩ gì khi nghe suy nghĩ này của một bé trai 6 tuổi? Một nhà văn (có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi) trăn trở: “Những người làm văn chương như chúng tôi luôn mong có được một nguồn sách, truyện dồi dào phục vụ cho thế hệ măng non của đất nước. Thế nhưng, vấn đề kinh tế khiến không ít người đau đầu. Làm một bộ truyện chi phí bỏ ra không ít nhưng khi đưa ra thị trường chưa chắc đã thu hồi được vốn. Tác giả và nhà đầu tư vì thế mà chần chừ mãi, cuối cùng để cho sách ngoại lấn át thị trường”.
Đa phần các sách được bày nhiều ở các hiệu sách hiện nay là truyện tranh, truyện chữ, sách dạng hỏi nhanh – đáp gọn, sách đố vui, sách học làm người, từ điển hình… Sách nhiều là vậy nhưng hầu hết trùng lặp nhau nên khách hàng không có nhiều sự lựa chọn như đã tưởng. Đặc biệt, mảng sách lịch sử và giáo dục giới tính cho lứa tuổi học trò dường như bị bỏ rơi. Chúng tôi hỏi: “Sách giáo dục giới tính cho tuổi mới lớn nằm ở đâu?”, nhân viên bán hàng của Nhà sách Thăng Long (một trong những nhà sách lớn tại TP.HCM) từ tốn đáp: “Cùng dãy với truyện tranh đó chị”. Đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng khi sách loại này chỉ lèo tèo mấy cuốn nằm chỏng chơ trên kệ sách, mà đáng buồn thay đa phần vẫn là sách dịch. Vấn đề cần được quan tâm ở đây là khi thiếu sách, thiếu thông tin về giáo dục giới tính, các teen Việt Nam có thể phát triển toàn diện được hay không?
Sách ngoại lấn át
Khi trở nên khan hiếm đề tài và ý tưởng, các nhà làm sách trong nước vô tình hoặc cố ý giẫm đạp lên nhau khi cho ra lò hàng loạt ấn phẩm “tuy… nhiều mà một”. Chỉ nói riêng về truyện tranh cổ tích Việt Nam đã có trên dưới 10 NXB và CTS “xông trận”, do đó, việc trùng lặp là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, tại nhiều nhà sách lớn ở TP.HCM, sách dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn của những tác giả trong nước được trưng bày khá khiêm tốn.
Nhận thấy thiếu đất trong lĩnh vực sách nội, hàng loạt NXB và CTS Việt Nam đổ xô tìm mua sách ngoại để phục vụ độc giả nhí. Sách ngoại được chọn dịch phải đảm bảo hai tiêu chí: nếu là truyện chữ, tiểu thuyết thì phải hot, được teen ngoại ưa chuộng; nếu là truyện tranh thì hình ảnh phải rõ nét, màu sắc sống động, bắt mắt và nếu các nhân vật trong truyện thường xuyên xuất hiện trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng thì càng tốt. Cụ thể, hè 2010, “ông trùm” sách dịch Nhã Nam tung ra thị trường khá nhiều tác phẩm phục vụ độc giả nhỏ tuổi: Jacob Hai – Hai (Mordecai Richler), Chuyện xóm gàSói đa cảm chuyển ngữ từ truyện Pháp, hay bộ truyện của tác giả Băng Ba của Trung Quốc. Trong khi đó, Firstnews làm say mê độc giả nhí với bộ truyện tranh nổi tiếng của Nga – Hãy đợi đấy!. Còn công ty sách Bách Việt lại cho ra đời Nguyệt thực, một tiểu thuyết hấp dẫn dành cho tuổi teen của tác giả Sarah Dessen.
Dạo một vòng quanh Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Q.5, chúng tôi thấy khá nhiều bạn trẻ ngồi xúm xít bên những kệ đựng sách dịch đọc ngấu nghiến. Làm quen với Huỳnh Trần Minh Hằng, cô bạn xinh xắn học Trường ĐH Hồng Bàng, chúng tôi hiểu hơn về gu đọc sách của giới trẻ Việt hiện nay. “Tụi em chẳng muốn đụng đến sách Việt, vòng đi vòng lại cũng chừng đó đề tài, đọc vài trang đã biết đoạn kết. Em và nhóm bạn rất thích đọc tiểu thuyết dịch và truyện tranh Nhật Bản, vừa hấp dẫn vừa hay. Mỗi khi nghe giới thiệu cuốn nào “nóng”, tụi em tìm mua ngay”, cô bạn nói một cách quả quyết.
Việc dịch sách, truyện của các công ty đang dần trở thành trào lưu, nó khiến cho sách nội chịu nhiều tổn thất khi thị trường bị thu hẹp theo cấp số nhân. Đáng buồn thay khi ở những nhà sách tại Việt Nam, lượng sách chuyển ngữ lại chiếm phần đa. Trong tiến trình dịch sách hot, yếu tố thời gian đóng vai trò quyết định. Nếu dịch chậm, sách có thể không kịp mua bản quyền và phải ngưng xuất bản khi bản quyền đã thuộc về tay người khác. Điều này sẽ làm cho các CTS thâm hụt nguồn vốn. Vì thế, sách, truyện hiện nay được chuyển ngữ với tốc độ chóng mặt. Khi người làm sách tích cực “tăng tốc”, chắc chắn sẽ không tránh được thiếu sót, mà người chịu thiệt không ai khác chính là bạn đọc. Trước đây, cũng vì cẩu thả trong khâu dịch và biên tập mà nhiều bộ truyện tranh sex hay những tác phẩm mang đậm màu sắc bạo lực của nước ngoài đã ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đầu óc non nớt và rất dễ bị thay đổi của các em.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Bình luận (0)