Nhiều người cho rằng, trong các tập thơ viết cho thiếu nhi xuất bản gần đây của nước ta, không thấy một chữ @ nào cho thế hệ thiếu nhi hiện đại. Quẩn quanh với những hình ảnh xưa cũ, nhàm chán… khiến các em dần quay lưng với sáng tác viết cho lứa tuổi của mình.
Các em thiếu nhi vẫn rất say mê với bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Ảnh: Mê Tâm
|
Đã quá già?
Nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Ở những giai đoạn trước, có nhiều nhà văn rất thành công với tác phẩm cho thiếu nhi như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng. Sau này có Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Côi cút giữa cảnh đời (Ma Văn Kháng), Búp sen xanh (Sơn Tùng)… nhưng cũng đã xa quá rồi. May sao, Nguyễn Nhật Ánh đã làm nên một “hiện tượng” đáng quý với các tác phẩm tạo thành “làn sóng đọc sách” trong các em nhỏ thời gian gần đây. Thành công của Nguyễn Nhật Ánh cũng mở ra nhiều hy vọng cho văn học thiếu nhi. Còn truyện tranh có Thần đồng đất Việt cứu vãn phần nào tình hình. Tuy nhiên, hiện nay, hiếm cây bút trẻ thực sự tâm huyết với mong muốn mình sẽ là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi…”.
Cũng theo nhà văn Lê Phương Liên, sự đam mê và nhiệt tình của lớp nhà văn có tuổi thật sự đáng ghi nhận, nhưng họ là lớp nhà văn đã định hình phong cách và tư duy, rất khó thay đổi để bắt kịp cách nghĩ, cách cảm của thế hệ sau này. Hơn nữa, văn học thiếu nhi trong nước hàng chục năm nay vẫn bị trói buộc bởi ý thức “văn dĩ tải đạo”, mang nặng tính giáo điều cũ kỹ, và rất nhiều người từng lên tiếng về sự “già” của nó. Vì vậy, dù các bậc phụ huynh có “định hướng” đến mấy cũng vô ích nếu tác phẩm không thực sự hấp dẫn và “sống” được trong lòng các em. Có lẽ đó cũng do một phần vì các nhà văn “già” vẫn phải gánh vác trách nhiệm này mà chưa có sự tiếp nối nhiệt tình của thế hệ trẻ. Văn học viết cho thiếu nhi vô tình trở thành “loa phát thanh của người lớn”. Thêm vào đó, cuộc sống hiện nay diễn ra nhanh và gấp gáp nên sáng tác cho các em cũng cần nhanh, gọn, ngắn. Ngôn ngữ, văn phong cũng phải “hiện đại” như chính cuộc sống của các em. Hiện nay, số lượng tác phẩm văn học thiếu nhi không nhiều. Một tờ báo thuần túy văn học, dành riêng cho thiếu nhi vẫn còn là mơ ước xa vời của các em ham mê văn học (cả đọc lẫn sáng tác) và của cả các nhà văn, nhà thơ tâm huyết với văn học thiếu nhi.
“Thừa” nhưng vẫn “thiếu”
Nhìn thẳng vào vấn đề, GS. Nguyễn Đình Chú (nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) tâm sự: “Tôi tham gia viết sách giáo khoa môn văn, chủ biên một số cuốn ở cấp THCS. Cháu tôi nói cháu ghét cái môn của ông quá, mong nhà trường bỏ không học môn ấy nữa. Tôi cảm nhận sự bất lực của mình”. PGS.TS Trần Đình Ngôn cũng nhìn nhận:“Trong giáo trình văn học thiếu nhi cho Khoa Tiểu học của ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi viết toàn những điều đao to búa lớn. Giờ cần viết lại, viết những cái gần gũi, phù hợp với thiếu nhi hơn”.
|
Văn học cho thiếu nhi Việt Nam hiện nay “thừa” nhưng vẫn “thiếu”. “Thừa” bởi sự xuất bản tràn lan truyện tranh nước ngoài mà phần lớn mang tính bạo lực, kích động, song lại thiếu các tác phẩm văn học hay, mang tính giáo dục và mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Đi ra các hiệu sách, học sinh tìm “mờ mắt” không thấy một tác phẩm hay dành cho thiếu nhi của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Viết Thịnh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự xuất hiện của truyện có nội dung nghèo nàn và tranh minh họa kích thích bạo lực, phát triển những tình cảm thiếu lành mạnh là những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Bên cạnh đó, trẻ em thời @ thường thiếu kiên nhẫn đọc các tác phẩm văn học, các em thích văn hóa nghe nhìn hơn. Còn GS. Phong Lê cho rằng điều mà văn học thiếu nhi hiện nay cần và có thể làm được là trở thành kênh giải trí lành mạnh, có ích. Có như vậy, văn học mới mang đến những tác dụng liên tiếp, hỗ trợ, thanh lọc tâm hồn, bồi đắp tình cảm, khuếch trương trí tưởng tượng và niềm mơ ước.
Cũng theo nhà văn Lê Phương Liên thì viết cho thiếu nhi là viết cho một thế hệ tương lai, điều này đòi hỏi người viết biết để trí tuệ và tình cảm của mình vượt lên phía trước. Viết cho thiếu nhi hiện nay không chỉ đòi hỏi người viết vượt qua lũy tre làng, ra biển Đông mà còn phải bay vượt ra ngoài sức hút của trái đất để nhìn thấy lỗ thủng tầng ozon ở bầu khí quyển và băng tan ra ở hai cực. Nhưng đồng thời viết cho thiếu nhi hiện nay phải nghe thấy tiếng khóc của con giun đang không còn đất để mà đào…
Nghiêm Huê
Bình luận (0)