Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khủng hoảng sẽ là cơ hội nếu…

Tạp Chí Giáo Dục

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 không phải quá u ám, mà đan xen trong đó cả thách thức lẫn cơ hội. Đáy của sự khó khăn sẽ kết thúc giữa năm 2013, kinh tế có thể hồi phục hồi. Thị trường chứng khoán trong năm nay sẽ trở nên lành mạnh hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) biết nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững”. Đó là nhận định của TS Trần Du Lịch về các vấn đề vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán 2013.

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ không còn ảm đạm. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Giải quyết nợ xấu từ thị trường bất động sản

Theo thống kê số liệu kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2013, các chuyên gia phân tích thị trường nhận định nền kinh tế đã có sự chuyển biến tốt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, song khu vực tiêu dùng vẫn còn yếu ớt: 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – nếu loại trừ yếu tố giá – chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 4,4% của 2 tháng đầu năm 2012. Lượng hàng tồn kho tính đến thời điểm 1-2-2013 vẫn đứng ở mức cao: 19,9%; cao hơn 2,5% so với lượng hàng tồn kho tại thời điểm 1-2-2012.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, mặc dù kinh tế vĩ mô năm 2013 còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm tích cực trong bức tranh tiêu cực chung. Đó là lạm phát cơ bản đã được kiềm chế, xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định trong ngưỡng 2%-3%, dự trữ ngoại tệ thời gian qua tăng và chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại dự trữ ngoại tệ nhiều như vậy. “Những điểm sáng này cũng chính là cơ hội cho thị trường trong năm 2013” – TS Trần Du Lịch nói.

Liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS), TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia dự báo BĐS sẽ tăng thanh khoản vào nửa cuối năm 2013. Tuy nhiên, do thị trường nợ kém phát triển, những khoản nợ lớn về BĐS vẫn chưa thể xử lý nhanh được nên thị trường BĐS có thể chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014 hoặc có thể chậm hơn, đặc biệt là với phân khúc thị trường cao cấp. Mới đây, NHNN cho biết theo kết quả giám sát từ xa của NHNN, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm khá nhanh từ khoảng 8,82% tại thời điểm cuối tháng 9-2012 xuống còn khoảng 6% vào cuối tháng 2-2013.

Về việc này, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, nợ xấu chính là điểm nghẽn của nền kinh tế cần sớm xử lý. Các giải pháp để xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu mới giải quyết thanh khoản, nợ xấu hiện vẫn là vấn đề lớn, đặc biệt nợ xấu từ các tài sản thế chấp BĐS. “Nợ xấu của ngân hàng đa số nằm ở lĩnh vực BĐS nên cần phải xử lý ngay. Việc giảm nợ xấu từ trên 8% xuống còn 6% là quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc giải quyết nợ xấu gắn liền với thanh khoản của thị trường BĐS. Đề án thành lập Công ty Xử lý nợ xấu (VAMC) của Chính phủ nhằm mua lại các tài sản thế chấp BĐS để làm sạch nợ xấu cho ngân hàng” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Niềm tin sẽ quay lại

Nhận định thị trường chứng khoán thời gian qua, các chuyên gia cho rằng chỉ mới hai tháng đầu năm nhưng nhiều công ty chứng khoán công bố giải thể khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Mặc dù vậy, về thị trường chứng khoán, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán FLC cho rằng, bản thân nền kinh tế hiện nay vẫn đang tái cấu trúc, những DN đang gặp khó khăn đã và đang bị đào thải, những DN đang trên đà phát triển vẫn đang kinh doanh tốt.

Cùng nhận định trên, TS Trần Du Lịch cho rằng, năm 2013 sẽ diễn ra tái cơ cấu thị trường một cách mạnh mẽ, diễn ra trên tất cả lĩnh vực từ ngân hàng, BĐS, đến chứng khoán… Và cơ hội chỉ dành cho những DN mạnh, tái cơ cấu tốt, còn những DN yếu kém sẽ không có chỗ đứng. “Trên tất cả các thị trường, họa của người này sẽ là phúc của người kia. Khủng hoảng sẽ đưa lại những cơ hội đầu tư tuyệt vời cho những ai biết nắm lấy. Cơ hội không chỉ đến với thị trường chứng khoán và cho cả thị trường BĐS” – TS Trần Du Lịch nói.

Với những lo lắng liên quan đến tỷ giá và lạm phát, các chuyên gia nghiên cứu về thị trường cho rằng, trong năm 2013, việc Chính phủ giữ lạm phát ở mức 6% – 7% là hoàn toàn có thể, Chính phủ cũng đã cam kết giữ ổn định ở mức 2% – 3%. Nếu thực hiện một cách quyết liệt thì niềm tin sẽ quay trở lại với thị trường.

Nhận định về thị trường chứng khoán 2013, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong năm nay, nhiều tập đoàn khối DNNN tiếng tăm sẽ tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) cũng là một tín hiệu tốt cho thị trường. Nhiều hàng hóa chất lượng được niêm yết có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán. Theo Công ty Chứng khoán FLC, về cơ bản, thị trường này trong năm 2012 đã chạm đáy.

Chính vì thế trong dài hạn, xu hướng chung của thị trường trong năm 2013 sẽ là đi lên. Tuy nhiên, sự đi lên của thị trường như thế nào phụ thuộc vào những biến động vĩ mô. Và với những tín hiệu chính sách, cũng như động thái điều hành của Chính phủ, đặc biệt là ưu tiên giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực BĐS, vĩ mô trong năm 2013 sẽ tiếp tục ổn định và giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn.

Nhung Nguyễn (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)