Hội nhậpThế giới 24h

Khủng hoảng Sri Lanka: Mỹ đổ một phần lỗi cho Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Những người biểu tình đã trở lại đường phố thủ đô Sri Lanka, bất chấp quốc hội đã bỏ phiếu bầu ông Ranil Wickremesinghe làm tân tổng thống.

Hàng trăm người biểu tình hôm 20-7 tụ tập tại địa điểm GotaGoGama ở thủ đô Colombo, nơi họ đã tổ chức lễ hội ăn mừng cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức hồi tuần trước.

Phát biểu trước đám đông, lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối ông Ranil Wickremesinghe, người 6 lần làm thủ tướng Sri Lanka, lên làm tân tổng thống vì cho rằng ông phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có của đất nước hiện nay.

Khủng hoảng Sri Lanka: Mỹ đổ một phần lỗi cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Những người biểu tình đã trở lại đường phố thủ đô Sri Lanka khi cho rằng họ sẽ tiếp tục cuộc phản đối kéo dài nhiều tuần. Ảnh: Reuters

Theo kênh Al Jazeera, những người biểu tình cũng cáo buộc ông Wickremesinghe, 73 tuổi, có các giao dịch với gia đình ông Rajapaksa để vượt mặt những đối thủ chính trị. Việc ông Rajapaksa bổ nhiệm ông Wickremesinghe làm thủ tướng vào tháng 5 và sau đó, ông Wickremesinghe làm tổng thống càng khiến những người biểu tình tức giận.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns hôm 20-7 đã đổ lỗi cho khoản đầu tư "bẫy nợ cao" của Trung Quốc là một yếu tố dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka, đồng thời cho rằng đây là lời cảnh báo cho các quốc gia khác.

Ông Burns cho rằng Trung Quốc tận dụng ảnh hưởng của mình và đưa ra đề nghị rất hấp dẫn cho các khoản đầu tư. Theo giám đốc CIA, các quốc gia nên nhìn vào trường hợp của Sri Lanka lúc này – mắc nợ Trung Quốc rất nhiều – để tránh "đặt cược thiếu thận trọng" về tương lai kinh tế.
Khủng hoảng Sri Lanka: Mỹ đổ một phần lỗi cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhiều xe xếp hàng dài chờ mua xăng trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Sri Lanka, nơi có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương và ngoài khơi Ấn Độ – quốc gia được xem là đối thủ của Trung Quốc – và hợp tác chặt chẽ với cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Vào năm 2017, Sri Lanka không thể trả khoản vay 1,4 tỉ USD xây dựng cảng ở miền Nam và buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê cơ sở này trong 99 năm.

Gần cảng này là sân bay Rajapaksa, được xây dựng bằng khoản vay 200 triệu USD từ Trung Quốc. Sân bay này được sử dụng ít đến mức có thời điểm không thể chi trả hóa đơn tiền điện.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)