Hội nhậpThế giới 24h

Khủng hoảng tài chính và xã hội đen

Tạp Chí Giáo Dục

Khủng hoảng tài chính toàn cầu trở thành “mỏ vàng” của các tổ chức băng đảng mafia Ý. Ngay cả trận động đất khủng khiếp ở L’Aquila cũng không cản bước được mafia. Trong khi đó, mafia Nhật Bản lại lâm vào cảnh khốn đốn vì chơi chứng khoán

Thời này là thời hoàng kim của các tổ chức băng đảng xã hội đen ở Ý, gọi chung là mafia. Báo chí nước này gần đây cho biết các băng đảng mafia đã thâu tóm các cây xăng và siêu thị, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền với lãi suất “cắt cổ”, mua lại các quán ăn đặc sản và vơ vét biệt thự ở những khu dân cư sang trọng vùng ven thủ đô Rome và thành phố thời trang Milan.
Mạnh vì có tiền mặt
Tại sao mafia có thể làm được chuyện ấy trong khi hầu hết các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu đành bó tay đứng nhìn? Đơn giản là các tổ chức mafia có tiền mặt, cái mà khắp nơi đều thiếu. Ngoài ra, phải kể đến kỹ năng “săn mồi” được rèn luyện từ nhiều thế kỷ nay để chớp lấy thời cơ.
Nói cách khác, mafia có khả năng đổ tiền mặt vào hai lĩnh vực nằm trong tâm bão tài chính hiện nay: bất động sản và thị trường tín dụng.
Các tổ chức mafia có nguồn dự trữ tiền mặt rất lớn nhờ các hoạt động truyền thống như bắt cóc tống tiền, buôn lậu ma túy và kinh doanh quần áo hàng hiệu giả sản xuất tại Trung Quốc. Trong những cuộc phỏng vấn trên báo đài gần đây, các công tố viên và cảnh sát hình sự Ý đều xác nhận điều này.
Đối với các “bố già” mafia, theo công tố viên chống mafia Franco Roberti, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay là “thời cơ để phất thêm”. Văn phòng của ông này đặt tại thành phố cảng Naples, nơi Camorra – một trong những băng đảng mafia hàng đầu của Ý – làm mưa làm gió.
Trong cuộc chiến dai dẳng chống mafia, chính quyền Ý từng đạt những thành tích ngoạn mục, bắt được nhiều “ông trùm”, thuyết phục được nhiều nhân vật cộm cán trong các băng đảng “cải tà quy chính” và vận động quần chúng chống lại những vụ tống tiền của mafia.
Tuy nhiên, các băng đảng mafia vẫn đứng vững và phát triển theo thời đại. mafia bây giờ không chỉ chăm bẵm vào các hoạt động bất hợp pháp như tổ chức sòng bạc, nhà thổ mà còn chuyển hướng sang kinh doanh hợp pháp như kinh doanh bất động sản, siêu thị hay chuỗi cửa hàng ăn uống.
Giancarlo Capaldo, công tố viên chống mafia, khẳng định rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy mafia đã thâu tóm nhiều khách sạn, nhà hàng và quán cà phê. Capaldo cho biết thêm: “Đó là những ngành kinh doanh được quản lý tốt vì bọn chúng muốn hái ra tiền”. Ông từ chối cung cấp tên những địa điểm kinh doanh đó vì cuộc điều tra chưa kết thúc.
Văn phòng Capaldo cũng tịch thu được nhiều tài liệu chứng minh băng đảng Camorra đã xâm nhập đại lý mua bán xe hơi ở Rome. Ông Giovanni Mainolfi, Giám đốc hải quan và thuế ở Naples, giải thích: “Bọn Camorra lấy tiền kinh doanh bất hợp pháp ở miền Nam để đầu tư vào các ngành kinh doanh hợp pháp ở miền Bắc”.
Vươn vòi bạch tuộc
Trong chiến dịch mang mật mã “Đồng tiền dễ kiếm”, cảnh sát Ý vừa qua đã tịch biên một khách sạn ở khu vực resort cao cấp Punta Ala, một siêu thị, hai chiếc xe hơi Ferrari, một trạm xăng ở Reggio Emilia (một khu vực giàu có của miền Bắc Ý) và nhiều bất động sản khác trị giá 30 triệu euro mà bọn Camorra dùng tiền buôn lậu ma túy để đầu tư.
Eurispes, một tổ chức tư vấn có trụ sở đặt tại Rome, ước tính các băng đảng mafia đã thu được 130 tỉ euro trong năm 2008, tương đương với 8% GDP (tổng thu nhập nội địa) của Ý, từ các hoạt động phi pháp, trong đó phân nửa là lợi nhuận từ buôn lậu ma túy. Riêng hoạt động cho vay cắt cổ đã mang lại cho chúng 12,6 tỉ euro. Khoảng 18.000 cá nhân và công ty đã vay tiền gián tiếp hay trực tiếp của mafia.


Bố già Edoardo Contini – băng đảng Camorra (giữa) bị bắt ngày 15-12-2007 tại Naples

Tháng 3 vừa qua, cơ quan tình báo Ý cảnh báo rằng tỉ lệ thất nghiệp đang gia tăng và khủng hoảng tín dụng đã tăng cường sức mạnh của các tổ chức tội phạm này. Chiếc vòi bạch tuộc của chúng đang vươn tới các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như siêu thị, bất động sản và du lịch.
Bản báo cáo của tình báo Ý chỉ ra rằng các băng đảng mafia sẵn sàng “nắm quyền kiểm soát các ngành kinh doanh đang gặp khó khăn về nguồn vốn bằng cách cho vay nặng lãi hoặc mua lại tài sản của các công ty bị cơn bão tài chính toàn cầu quất sụm”.
Những cảnh báo nói trên đã được chứng thực qua phản ánh của các doanh nhân. Một bản báo cáo của SOS Impresa, một tổ chức vận động hành lang chống mafia trong giới kinh doanh, công bố hồi cuối năm ngoái cho biết Camorra đã thâm nhập sâu vào cấu trúc kinh tế và xã hội. “Sự hiện diện của chúng trong các ngành kinh doanh ở nước ta, châu Âu và thế giới đã gia tăng 10 lần, 100 lần, thậm chí 1.000 lần so với trước”.
Một vốn mười lời
Theo báo cáo của tình báo Ý, một trong những hoạt động tội phạm mới xuyên quốc gia của các băng đảng mafia là kinh doanh hàng thời trang giả hiệu. Ông Roberti, công tố viên chống các tổ chức tội phạm ở thành phố Naples, cho biết băng Camorra đã liên kết với các bang hội Trung Quốc tổ chức sản xuất hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bao gồm quần áo, giày dép, túi xách, kính mát, đồng hồ, nước hoa… tại Trung Quốc rồi đem bán dạo ở Ý và các nước khác như Mỹ, Pháp, Anh và Đức.
Theo đánh giá của các nhà điều tra, việc kinh doanh hàng nhái Dior, Rolex, Gucci, Armani… đem lại lợi nhuận cao hơn buôn lậu cocaine và cần sa. Cứ một đồng euro bỏ ra để sản xuất hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, Camorra lời được 10 euro, trong khi 1 euro vốn cocaine và cần sa chỉ lời 6-7 euro.
Hàng nhái bán trên các lề đường và shop thời trang nhỏ ở Rome và Naples được nhập về hàng tấn tại các bến tàu xô bồ xô bộn, nơi mà hải quan chỉ có thể kiểm tra 5% tổng số container nhập về.

 

Kỳ tới: Thảm họa động đất cũng là cơ hội

VĂN ANH (NLD)

Bình luận (0)