Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Khủng hoảng thiếu” giáo viên và giảng viên

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu đang đóng góp ý kiến tại hội nghị sơ kết. Ảnh: M.T

Ngày 12-5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010”. Sau 3 năm thực hiện, cho đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu đề ra khó có thể thực hiện được.
Giáo dục phổ thông: thiếu giáo viên môn phụ
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học phổ thông (từ mầm non đến giáo dục thường xuyên) đều đạt tỷ lệ rất cao. Trong đó, thấp nhất là mầm non với 89,1%. Tỷ lệ này ở tiểu học là 98,68%, THCS 98,37%, THPT là 98% và giáo dục thường xuyên là 98,39%.
Vấn đề nổi cộm của phổ thông hiện nay là thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ở bậc tiểu học, nếu dạy học 2 buổi/ngày thì số lượng giáo viên mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu, thiếu giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục, ngoại ngữ. THCS thiếu giáo viên tin học, hóa học, sinh học, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ. THPT thiếu giáo viên giáo dục quốc phòng, công nghệ và tin học. Trong khi đó, ở giáo dục thường xuyên, số lượng giáo viên có xu hướng giảm dần. So với năm học 2004-2005, giáo viên giáo dục thường xuyên giảm gần 1.800 người. Hầu hết các trung tâm giáo dục thường xuyên không bố trí đủ giáo viên để dạy 7 môn bắt buộc theo chương trình mà phải phối hợp với giáo viên từ các trường THPT.
Tuy nhiên, tỷ lệ thừa thiếu giáo viên ở các bậc học tại mỗi địa phương đều có sự khác biệt. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, giáo dục mầm non của tỉnh có 942 giáo viên (trung bình 1,0 giáo viên/lớp) thiếu 250 giáo viên. Giáo dục tiểu học có 8.250 giáo viên (1,5 giáo viên/lớp) thừa trên 200 giáo viên. THCS có 4.280 giáo viên (1,8 giáo viên/lớp) vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ. THPT còn thiếu 300 giáo viên. Điều đáng nói ở Cà Mau đó là tình trạng thừa giáo viên tiểu học. Từ năm 2000 đến năm 2005, số lượng học sinh tiểu học của tỉnh luôn giảm theo từng năm học. Trong 6 năm trở lại đây, lượng học sinh giảm tổng số lên đến 66.882 học sinh, nếu tính bình quân 24 học sinh/lớp thì số lớp giảm là 2.786 lớp tương đương phải giảm theo 3.204 giáo viên. Để phù hợp với tình hình, đảm bảo giờ dạy cho giáo viên, các trường phải chia nhỏ lớp, có lớp chỉ dưới 20 học sinh, bình quân trong toàn tỉnh chỉ có 23 học sinh/lớp.
Giáo dục ĐH: thiếu 2 vạn giảng viên
Trái ngược với giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề và giáo dục ĐH lại đang lâm vào tình trạng thiếu giảng viên và nhiều chỉ tiêu trong Quyết định 09 có nguy cơ không đạt được. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến năm 2015, dạy nghề thiếu khoảng 1 vạn giảng viên. Trong khi đó, đối với ĐH, số lượng giảng viên thiếu vào khoảng 2 vạn. Đây là một con số thách thức đối với ngành giáo dục. Phó thủ tướng cũng thừa nhận khó khăn nổi bật trong phát triển đội ngũ ở CĐ, ĐH, dạy nghề là mất cân đối lớn nhất.
Không những thế, nhiều chỉ tiêu đối với giáo dục ĐH khó có thể thực hiện được. Tỷ lệ bình quân sinh viên/giảng viên hiện nay đạt 30,89%, giảm 9,89% so với năm học 2004-2005. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ở một số trường tỷ lệ này vẫn còn rất cao hơn 50 sinh viên/giảng viên, thậm chí có trường (thuộc khối kinh tế) là gần 100 sinh viên/giảng viên. So với chỉ tiêu đã đề ra tại Quyết định 09 là 20 sinh viên/giảng viên thì so với quy mô hiện nay cần tuyển thêm 21.783 giảng viên nữa, điều này rất khó đạt được trong vài năm tới. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên ĐH có trình độ sau ĐH tăng lên nhưng tỷ lệ có trình độ tiến sĩ, PGS, GS đều giảm. So với chỉ tiêu đặt ra trong Quyết định 09, đến năm 2010 có 40% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ thạc sĩ, trong đó có 25% là tiến sĩ trên thực tế, chỉ tiêu này chỉ có thể đạt được ở một số trường ĐH. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho biết, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của trường không những không giảm mà ngày một tăng và chỉ tiêu 20 sinh viên/giảng viên trường không thể thực hiện. Nếu đạt được tỷ lệ đó, trường phải cần thêm 800 giảng viên trong vòng 1 – 2 năm tới và lương phải trả cho số giảng viên này là 35 tỷ/năm bằng 50% ngân sách hiện nay của trường.
Bộ máy cái: vẫn lạc hậu
Nhìn nhận về vấn đề các trường sư phạm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT thiếu kiên quyết về vấn đề này. Ngay trong các trường sư phạm, tỷ lệ tiến sĩ tăng không đáng kể. Chỉ tiêu đặt ra có 50% giảng viên CĐ sư phạm có trình độ thạc sĩ vào năm 2010 là có thể đạt được. Nhưng có 5% giảng viên là tiến sĩ là không khả thi. Ở các trường ĐH sư phạm, đến 2010, 100% giảng viên là thạc sĩ, 25% giảng viên là tiến sĩ là khó đạt được. Theo ông Dương Tráng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai thì chương trình đào tạo của các trường sư phạm cần gắn với thực tế hơn. Có nhiều giáo viên, sau khi ra trường chỉ sử dụng được 50% kiến thức đã học. Còn theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì đào tạo sư phạm cần phải đổi mới hơn, chuyển từ dạy theo số đông sang dạy theo cá thể. Mỗi thầy cô giáo phải được trang bị kiến thức để nắm vững được tâm lý lứa tuổi học sinh.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị nên có chính sách để giáo viên được nghỉ ngày thứ bảy nhưng vẫn có chế độ.
Tại hội nghị, các chính sách liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng được các sở GD-ĐT đưa ra thảo luận, đề xuất. Theo ông Huỳnh Công Minh, nếu giao quyền tự chủ cho các trường thì các trường sẽ làm được việc gấp đôi, gấp ba hiện nay. Ông cũng đề xuất không chỉ giáo viên vùng khó mới được hưởng chế độ chính sách ưu tiên. Ngay ở các thành phố lớn, giáo viên cũng có những khó khăn riêng như giá cả đắt đỏ.
Về các vấn đề trên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ rà soát lại chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý. Đồng thời, người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị không chấp nhận những trường CĐ kém chất lượng. Bộ GD-ĐT đã làm việc với các bộ ngành khác về vấn đề thâm niên cho giáo viên nhưng không được chấp nhận. Phó thủ tướng cũng đề nghị, mỗi trường sư phạm sẽ liên kết với một tỉnh để bồi dưỡng giáo viên cho tỉnh đó.
Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)