Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khủng hoảng thiếu – lao động đang “có giá”

Tạp Chí Giáo Dục

Khảo sát của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy, có hơn 500 doanh nghiệp (DN) ở TP đang cần hơn 60.000 lao động (LÐ), nhưng việc tuyển LÐ hiện đang rất khó khăn.
Việc chờ người
Hiện nhiều DN ngành dệt may, da giày, điện tử sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế phải "tinh giản lao động", nay đã phục hồi sản xuất với nhiều đơn đặt hàng lớn và đang phải đối diện với việc  thiếu LĐ, nhất là trong mùa hàng Tết.  
Tại KCN Tân Bình đang treo bảng tuyển công nhân (CN). Công ty TNHH may – thương mại Tân Việt rao tuyển 1.000 CN may, Công ty gốm sứ Kim Trúc tuyển 400 LĐ thời vụ. Chỉ riêng khu Lô III của KCN Tân Bình đã có hàng chục DN rao tuyển gần 4.000 LĐ.
Tại KCX Linh Trung, Tân Thuận, tình hình tuyển LĐ cũng không mấy sáng sủa. Đã mấy tháng qua, Công ty Freetrend tuyển 4.000 LĐ vẫn không đủ người. Công ty Kollan tuyển 500 LĐ cũng ở tình trạng tương tự. Ông Đào Thanh Quyết, Giám đốc Hành chính – Nhân sự Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận), cho biết: "Công ty vừa xây dựng thêm một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử xe ô tô, cần 500 LĐ nhưng số lượng ứng tuyển cũng chẳng được bao nhiêu". Còn tại KCN Vĩnh Lộc, hơn 2.000 việc làm đang được các DN rao tuyển.
Tuyển lao động, hình ảnh phổ biến tại KCN Tân Bình TP.HCM
Đây cũng là tình trạng chung ở các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Hiện các DN tại Bình Dương đang đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh có biện pháp hỗ trợ để tuyển dụng hơn 50.000 LĐ. Ông Lâm Duy Tín – Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, trước áp lực thiếu LĐ, các DN đã đề nghị Sở làm đầu mối liên hệ với các địa phương miền Trung và miền Bắc để tuyển. Hơn một năm qua, chương trình liên kết này đã thu hút được hàng vạn LĐ ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế… nhưng vẫn thiếu LĐ, còn đến khoảng 30.000 việc làm đang chờ người LĐ. 
"Trải thảm đỏ” mời… lao động
Thiếu LĐ, nhiều DN đưa ra những lời mời hấp dẫn. Cách phổ biến nhất là khuyến khích công nhân hiện có lôi kéo LĐ từ những DN khác. Ai giới thiệu được một CN mới, DN sẽ trả 200.000đ.
Thế nhưng theo bà Quách Kim Phượng – Phó giám đốc Công ty may Trường Vinh (Q.12, TPHCM), đó là giá "sàn", đã lỗi thời. Công ty của bà có nhà trọ miễn phí, thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tiền gửi con đi nhà trẻ… nhưng tuyển mấy tháng trời mới tạm đủ người để thực hiện các đơn hàng của đối tác. Cách đây không lâu, Công ty Upgain (KCX Linh Trung) đưa ra chương trình tuyển LĐ khá hấp dẫn: mỗi CN vào công ty làm việc được thưởng một triệu đồng, trả vào lương trong vòng hai tháng. Người nào giới thiệu một CN được thưởng 600.000đ. Nhưng, giá đó chưa phải là "đỉnh". Một DN có vốn đầu tư trong nước rao tuyển, mỗi CN đến làm việc sẽ được hỗ trợ 1,25 triệu đồng, trả dần trong bốn tháng.
Bà Nguyễn Thị Điền – Giám đốc Công ty may An Phước, chia sẻ: cạnh tranh thì biết đến bao giờ mới dừng. DN cần cố gắng để có sự hỗ trợ lâu dài cho CN bằng những chính sách tiền lương hợp lý, chăm lo người LĐ. Công ty giày Thái Bình (tỉnh Bình Dương) đã xây khu chung cư 600 phòng cho CN trọ miễn phí, nhiều DN khác không có nhà trọ thì hằng tháng hỗ trợ từ 50.000đ – 100.000đ cho CN thuê nhà trọ bên ngoài, hỗ trợ tiền xăng… 
Giải bài toán năng suất
Tại Công ty may Sài Gòn 3, các chuyền sản xuất được chia ra ba hạng: trung bình, khá, giỏi. Hằng tháng, công ty chọn một số CN có tay nghề trung bình đưa lên làm việc cùng chuyền khá. Họ sẽ được chuyền trưởng hướng dẫn các thao tác chuẩn để làm việc chung với người có tay nghề cao hơn, chấp nhận năng suất cả chuyền khá sẽ giảm khoảng hai tháng. Sau thời gian này, những CN mới sẽ bắt kịp trình độ của CN khá. Từ chuyền khá, chọn những CN nhanh nhẹn đưa lên chuyền giỏi… cứ thế đào tạo liên tục. Từ cách làm này, hiện Sài Gòn 3 là một trong những công ty có năng suất LĐ cao nhất trong ngành may. Ông Phạm Xuân Hồng – Giám đốc công ty  thẳng thắn: "Ai cũng mong muốn giải được bài toán này, bởi nó sẽ giảm số lượng LĐ, tăng thu nhập, giảm các chi phí liên quan. Nhưng, có dám chấp nhận thử thách để đầu tư không lại là chuyện khác".
"Bên cạnh việc nâng tay nghề, đầu tư thiết bị hiện đại để tăng năng suất cũng là vấn đề có ý nghĩa sống còn với DN" – ông Nguyễn Trọng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức – hành chính Công ty may Bình Minh nhận định. Ông Thanh ví dụ: nếu sử dụng máy một kim, CN phải thao tác bốn lần mới hoàn thành một đường may bốn chỉ. Nếu đầu tư máy 12 kim, bất cứ đường may nào từ 12 chỉ trở xuống CN chỉ cần thao tác một lần. Trong hai năm qua, công ty may Bình Minh đầu tư hơn 100.000 USD để trang bị máy móc thiết bị mới, năng suất tăng khoảng 20%, tiền lương của CN cũng tăng tương ứng.
Hiểu Nghi/Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)