Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khủng hoảng thừa điều dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Châu Văn Dưỡng – Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – phát biểu tại hội thảo

Vừa qua, liên Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội thảo nhu cầu đào tạo khối ngành sức khỏe trên địa bàn TP. Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cảnh báo: “Không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh/ thành trong cả nước đang khủng hoảng thừa điều dưỡng trình độ cấp dưỡng. Chỉ riêng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho ra trường 400 cấp dưỡng trung cấp nhưng chỉ có trên 200 em có việc làm…”.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2007 trên địa bàn TP chỉ có 3 cơ sở công lập đào tạo TCCN khối ngành y dược, nhưng đến nay đã tăng lên 27 cơ sở (5 công lập và 22 ngoài công lập); trong đó có 6 trường ĐH, 1 viện, 2 trường CĐ và 18 trường TCCN. Cùng với sự phát triển về số cơ sở đào tạo, quy mô tuyển sinh hệ TCCN của 27 cơ sở nói trên cũng tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, năm học 2010-2011 tuyển 21.157 chỉ tiêu, năm học 2011-2012 tăng lên 21.994 chỉ tiêu và năm 2012-2013 là 26.036 chỉ tiêu. Tổng số HS đang theo học hệ TCCN, khối ngành y dược tại các cơ sở này hiện nay là trên 13.839 em (điều dưỡng: 3.527 HS, dược sĩ: 8.375 HS, y sĩ: 1.937 HS).
“Theo khảo sát tình hình việc làm của các trường TCCN ngoài công lập đối với khối ngành sức khỏe thì chỉ có khoảng 40-50% HS tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đào tạo”, ông Lưu Đức Tiến – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở GD-ĐT TP – cho biết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Mai – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: “Trên thực tế, con số HS trình độ trung cấp khối ngành sức khỏe ra trường không tìm được việc làm lớn hơn rất nhiều so với con số 50-60% mà Sở GD-ĐT TP nêu ra. Bởi muốn có một chỗ làm phải mất từ 120-200 triệu đồng. Đây thực sự là một sự lãng phí…”. Trong khi đó, ông Lê Quan Nghiệm – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết: “Nhiều bệnh viện nói không dám sử dụng điều dưỡng trung cấp của các trường ngoài công lập đào tạo”, Cũng theo ông Nghiệm, sở dĩ các bệnh viện chê điều dưỡng trường ngoài công lập là bởi chất lượng đầu ra ở đây “có vấn đề”. Nhiều trường chỉ chăm chăm tuyển sinh vô tội vạ để “nhét cho đầy túi tham” mà không quan tâm đến đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp phục vụ giảng dạy.
Ngay chính ông Châu Văn Dưỡng – Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – cũng phải thừa nhận là có những trường trụ sở chỉ là cái nhà cấp 4 nhưng trong catalo giới thiệu thì lại là một ngôi nhà khang trang. “HS chưa một lần được cầm đến cây tiêm, nếu tôi làm giám đốc bệnh viện tôi cũng không dám nhận”, ông Dưỡng nói.
Vậy phải làm sao để tránh sự lãng phí đây? Trong khi điều dưỡng trung cấp có hộ khẩu TP.HCM đang dư tới 1.500 người thì các cơ sở vẫn cứ ồ ạt tăng chỉ tiêu. “Có trường đào tạo cả ngàn HS mặc dù cơ sở vật chất, giảng viên đều thiếu trầm trọng. Vào trường, ngay cả chỗ ngồi học còn thiếu thì làm sao có chất lượng được. Đầu tư cho giáo dục và y tế thì phải mất hàng chục năm mới bắt đầu nghĩ đến lợi nhuận, không thể làm một bài toán đơn giản là mỗi năm thu 10 triệu đồng/HS, chi hết 8 triệu đồng (chỉ dạy lý thuyết, còn thực hành thì giao cho các bệnh viện), còn lại 2 triệu đồng bỏ túi”, ông Bỉnh bức xúc.
Ông Bỉnh cho rằng, ngoài hàng ngàn điều dưỡng trung cấp do các trường đóng trên địa bàn TP đào tạo chưa tìm được việc thì mỗi năm TP.HCM còn phải tiếp nhận hàng trăm em do các trường ở tỉnh đào tạo “chạy” lên TP xin việc. Vì vậy, “Sở Y tế TP báo động để các trường biết và có kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu xã hội, tránh lãng phí”, ông Bỉnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Sở Y tế TP.HCM) – cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng cán bộ y tế trình độ trung cấp của các bệnh viện thành phố, quận/ huyện và bệnh viện ngoài công lập trong 5 năm (từ 2013 đến 2017) là không nhiều. Cụ thể: Y sĩ đa khoa – năm 2013 là 16 người, năm 2014: 27 người, năm 2015:  19 người, năm 2016: 17 người, năm 2017: 20 người. Y sĩ y học cổ truyền – năm 2013 là 14 người, năm 2014: 12 người, năm 2015: 15 người, năm 2016: 15 người, năm 2016: 15 người, năm 2017: 13 người… Muốn có việc làm ở TP.HCM thì các em phải cạnh tranh rất gay gắt. Các trường cần có chỉ tiêu đào tạo phù hợp để khi ra trường, HS có việc làm, tránh thất nghiệp nhiều như hiện nay…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)