Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khung học phí mới: Chưa thể tái đầu tư

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCMTrong nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2008-2009 do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ban hành có đưa ra chủ trương, từ quý IV thực hiện đề án học phí mới và đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước gắn với việc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài chính của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời sẽ giao liền ngân sách 3 năm để các trường chủ động nguồn lực đầu tư. Nhưng theo lãnh đạo của nhiều trường thì với mức học phí mới này cũng chỉ đủ để bù trượt giá.

Chạy theo trượt giá

Trong một hội nghị của Bộ GD-ĐT, ông Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã tính toán: với số tiền thu học phí, trường sẽ dành 45% để trả lương cho giáo viên, 20% để miễn giảm học phí hoàn toàn cho sinh viên (SV) thuộc diện chính sách, SV nghèo và 15% để trả học bổng cho SV. Như vậy, chỉ còn khoảng 20% học phí được dành cho đào tạo. Trong khi đó, mỗi năm ĐH Đà Nẵng có 250.000 tiết vượt giờ, tương đương với chi phí 4.000 đồng/tiết (nếu chỉ sử dụng học phí chính quy). Do đó, để đảm bảo điều kiện sống cho giáo viên, trường đã lấy kinh phí đào tạo hệ không chính quy để bù, nâng mỗi tiết vượt giờ của giáo viên lên thành 23.000 đồng. Ông Ga đưa ra giả định: nếu học phí tăng lên 2-3 lần so với hiện nay thì nhà trường vẫn chỉ giậm chân tại chỗ, chỉ bằng số tiền cách đây 10 năm. Còn nếu không tăng Nhà nước phải bù thêm cho trường 52% kinh phí. Ông Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội cũng phân tích: “Học phí hiện nay chưa đủ trả lương cho giáo viên, mới chỉ được 50%. Nếu học phí tăng 100% thì mới đủ để trả tiền lương cho giáo viên”. Điều đó đồng nghĩa với việc học phí hiện tại của SV trong trường là 1,8 triệu/năm, nếu tăng lên thành 3,6 triệu/năm thì trường mới đủ tiền để trả lương cho giáo viên. Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, ông Hoàng Văn Châu thì lại cho biết, hiện nay mức thu học phí là 1,8 triệu/SV, nhưng trừ chế độ chính sách, học bổng, thực chất nhà trường chỉ còn thu 1,5 triệu/SV. Trong khi đó, trường có đào tạo SV nước ngoài, nhưng Nhà nước không cho phép thu học phí của họ cao hơn SV Việt Nam. Điều này theo ông Châu là vô lý. Vì Chính phủ Việt Nam không thể bỏ tiền ra bao cấp cho SV nước ngoài theo học. “Không những thế kinh phí chi thường xuyên năm 2007 trường nhận được là 6 tỷ cho 3.000 sinh viên. Nhưng đến năm 2008, Nhà nước đã cắt nguồn kinh phí này và không cho phép trường tăng học phí”, ông Châu nói. Ngoài nguồn học phí của trường thu được (50 tỷ gồm cả chính quy và không chính quy) trường phải thu từ các nguồn thu khác để trả lương cho giáo viên. Ông Châu cũng cho biết, trường đang đề xuất phương án mức học phí của trường cao hơn mức học phí của Bộ GD-ĐT và tùy vào tình hình thực tế từ khung học phí mới mà trường sẽ áp dụng.

Vẫn chưa thể “tái đầu tư”

Đó là khẳng định của nhiều trường ĐH nếu như được phép áp dụng khung học phí mới. Ông Nguyễn Minh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng trước đây phần lớn học phí dành để tái đầu tư (chiếm khoảng 60%). Nhưng từ khi Nhà nước yêu cầu trường trả lương cho giáo viên bằng học phí thì trường mải chạy theo chính sách tăng lương của Nhà nước, không có đủ kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất. Vì lương Nhà nước yêu cầu tăng còn học phí thì không được tăng. “Chúng tôi cũng đang mong muốn làm sao để SV có được cơ sở thực hiện thí nghiệm như trước đây. Với mức học phí như hiện nay, chúng tôi rất ngại tăng chỉ tiêu” – ông Hùng bức xúc. Không những thế, ông Hùng còn khẳng định hiện trong “đầu” lãnh đạo nhà trường chưa có ý nghĩ gì về khung học phí mới. Với khung học phí mới, trường sẽ bớt khó khăn hơn nhưng vẫn chưa ăn thua. Thực tế hơn, ông Đỗ Duy Truyền, ĐH Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, tôi chưa biết học phí cho phép thu đến mức nào. Tuy nhiên nếu có tăng thì tôi nghĩ cũng chưa đủ để trường quay trở lại tăng cường cơ sở vật chất cho SV. Vì ĐH Hà Nội là một trong 4 trường giao cho tự chủ tài chính. Lương nhà trường phải lo hết, ngoài học phí nhà trường còn các khoản thu khác để tăng cường thu nhập cho giáo viên”. Ông cũng cho rằng vì mức học phí quá thấp đã kéo dài trong một thời gian khá lâu nên trường thường phải “chạy theo” các chế độ chính sách của Bộ. Nhưng khi được hỏi về vấn đề trình độ giáo viên sẽ được “cải thiện” như thế nào khi các trường áp dụng khung học phí mới thì các trường đều không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Ông Hoàng Văn Châu chỉ khẳng định đó là mặt chung của xã hội yêu cầu.

Nghiêm Huê

 Đề án học phí mới sẽ được áp dụng từ quý IV năm học này. Học phí hệ ĐH, CĐ sẽ có hai loại, trong đó, học phí chương trình đại trà chia làm 7 nhóm ngành và theo trình độ đào tạo, SV nhóm ngành y có thể phải đóng học phí cao nhất. Theo phương án của Bộ GD-ĐT, học phí khối phổ thông đóng góp vào chi phí đào tạo khoảng 5%, 95% kinh phí còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Việc tăng học phí đối với giáo dục nghề nghiệp để các trường có điều kiện cung cấp dịch vụ tốt hơn. Chậm nhất năm 2010, học phí phải bù đắp được chi phí thường xuyên của các ĐH, CĐ.

Bình luận (0)