Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khuyến cáo nông dân chọn giống lúa – Lúng túng…

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến ngày 26-3, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 75% diện tích lúa đông xuân 2013. Năm nay nhiều địa phương đã cố gắng tăng tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm với hy vọng tăng thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp “lập lờ” trong cách thu mua đã gây bất an trong nông dân. Hiện các tỉnh xuống giống vụ hè thu, vấn đề đặt ra là chọn giống lúa nào?

Tăng đột biến, tắc đầu ra

Cuối tháng 3-2013, lãnh đạo ngành nông nghiệp ở 3 tỉnh, thành có diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm lớn nhất ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ đồng loạt than thở vì chuyện nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao nhưng bán với giá như lúa phẩm cấp thấp IR 50404. “Năm ngoái, giá lúa thơm Jasmine 85 nông dân bán gần 7.000 đồng/kg nhưng nay doanh nghiệp chỉ mua khoảng 6.100 – 6.200 đồng/kg” – ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang so sánh!

“Ai cũng biết trồng lúa thơm sẽ chịu nhiều rủi ro hơn lúa thường. Nhất là tính chống chịu và thích ứng của lúa thơm kém hơn IR 50404. Nông dân phải bỏ công sức và chi phí nhiều hơn. Tuy nhiên, sự lập lờ định giá trong thu mua của doanh nghiệp đã làm nông dân chúng tôi đứng ngồi không yên” – ông Tư Nghiêm, nông dân trồng lúa ở Thốt Nốt, Cần Thơ chua chát nói.

Cần Thơ là địa phương tăng “đột biến” về lúa thơm với 40% – 60% diện tích sản xuất (khoảng 40.000 – 50.000ha) trong vụ đông xuân 2012 – 2013. Chính vì vậy, tình trạng lúa thơm ùn ứ, giảm giá cũng tập trung nhiều nhất ở Cần Thơ. Hiện trên địa bàn Cần Thơ có khoảng 20 công ty kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký thu mua lúa thơm với ngành nông nghiệp nhưng hầu hết đều không ký hợp đồng mà chỉ thu mua ở dạng “thường trực”.

Nông dân ĐBSCL lúng túng việc chọn giống lúa sản xuất.

Vừa qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh ĐBSCL thật sự bị sốc khi có doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo dạng “đại gia” trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nằm trên địa bàn Cần Thơ đã “chỉ trích” báo, đài “nhầm lẫn” giữa lúa chất lượng cao và lúa thơm. Vị lãnh đạo này cũng “lấy làm ngạc nhiên về tỷ lệ lúa thơm chiếm 60% – 70% mà một địa phương công bố”!? Lúa Jasmine 85 tồn đọng cục bộ, rớt giá là chuyện xảy ra phổ biến ở Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ.

Dư luận không khỏi băn khoăn về cách tránh né trách nhiệm của doanh nghiệp này, khi “lên lớp” rằng: “Trong đưa tin, cần thiết thì đưa, không cần thiết thì không đưa. Đối tác nước ngoài biết sản lượng lúa bao nhiêu, tính toán, trừ ra số tồn kho còn bao nhiêu “nó” đè giá chúng ta. Gạo thơm đang bán với giá 530 USD/ tấn, nay đối tác trả chỉ còn 510 USD/tấn. Họ hỏi lúa thơm ế còn đầy đồng sao bán cao vậy”! Thật khó hiểu khi trước đó, vị này cho rằng: “Rất khó làm gạo thơm, một số nhầm lẫn lúa chất lượng cao với lúa thơm”, rồi sau đó khuyên “ém thông tin” về sản lượng lúa thơm!?

Tập trung gạo trắng hạt dài

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu ở ĐBSCL sẽ gieo sạ khoảng 1,68 triệu ha (cao hơn khoảng 100.000ha so với vụ đông xuân), sản lượng lúa ước khoảng 9,3 triệu tấn. Chọn giống lúa nào cho vụ hè thu? Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra bộ giống cho vụ hè thu 2013 khá “bắt mắt” với tỷ lệ giống cao sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu chiếm áp đảo: OM 4900, OM 4218, OM 2517, VND 95-20…; lúa thơm – đặc sản: Jasmine 85, VĐ 20, ST 5, Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9… Không thấy sự hiện diện của giống lúa phẩm cấp thấp như IR 50404!

Dù vậy mới đây, một lãnh đạo Cục Trồng trọt thừa nhận, qua kiểm tra tại Trà Vinh ghi nhận tỷ lệ sản xuất giống lúa phẩm cấp thấp IR 50404 chiếm tới 40% (trong khi tỷ lệ khuyến cáo lâu nay của Bộ NN-PTNT chỉ nên dao động ở mức 15% – 20%). Cách định giá mua chưa sòng phẳng của doanh nghiệp đối với lúa chất lượng cao, lúa thơm vừa qua phải chăng là nguyên nhân khiến lúa phẩm cấp thấp như IR 50404 vẫn chiếm tỷ lệ lớn ở một số địa phương! Cần nói thêm, ĐBSCL từng xảy ra tình trạng lúa IR 50404 tồn đọng do doanh nghiệp không mua, có lúc phải tính đến chế biến làm thức ăn!

Việt Nam đã là cường quốc xuất khẩu gạo hơn một thập niên qua. Nhưng ai cũng biết, nhược điểm của lúa, gạo Việt Nam là sự pha trộn của hơn chục giống lúa trong lô hàng xuất khẩu. Vì vậy, đến nay gạo của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thế giới. Nhiều ngành chức năng đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay trình độ canh tác ở ĐBSCL tiến bộ rất nhanh và được nhiều nhà khoa học trên thế giới ghi nhận. Nông dân có kinh nghiệm, sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm. Câu hỏi đặt ra là ngành xuất khẩu gạo tập trung vào phân khúc nào trong xuất khẩu? “Nếu chú trọng xuất khẩu gạo thơm thì đây là cửa rất hẹp vì nhu cầu gạo thơm trên thế giới từ 2 – 3 triệu tấn/năm. Trong đó, Thái Lan khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 300.000 tấn. Chính vì vậy, nông dân “bị gãy” do tăng diện tích lúa Jasmine 85! Theo tôi, không đi theo phân khúc này. Đối với gạo phẩm cấp thấp nên sản xuất ít, vì sản xuất lớn sẽ đấu không lại Myanmar, Ấn Độ… Vì vậy, ĐBSCL nên tập trung sản xuất gạo trắng hạt dài. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đi đúng hướng thị trường gạo trắng hạt dài” – GSTS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam phân tích.

"Bộ NN-PTNT khuyến cáo trồng lúa thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu nhưng không ai mua cụ thể. Doanh nghiệp cứ mua gạo từ lúa IR 50404 pha vào xuất gạo 5% tấm, cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng kèm theo giảm giá"

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang Đoàn Ngọc Phả

CAO PHONG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)